Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU CHO NHẬN Ở SONG THAI MỘT BÁNH NHAU, MỘT BUỒNG ỐI


HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU CHO NHẬN Ở
SONG THAI MỘT BÁNH NHAU, MỘT BUỒNG ỐI
Hội chứng truyền máu cho nhận (TTTS) là một trong những biến chứng nặng nhất của thai kỳ song thai một bánh nhau, với tỷ lệ xảy ra ước đoán từ 9 – 15%. Mặc dù sinh bệnh học của TTTS vẫn chưa được làm sáng tỏ một cách đầy đủ, điều bắt buộc về mặt giải phẫu cho sự xuất hiện của nó là sự hiện diện của các thông nối trong bánh nhau, điều này hiện diện trong hầu hết các thai kỳ song thai 1 bánh nhau. TTTS đi kèm với nguy cơ cao tỷ lệ tử vong và bệnh tật thai nhi nếu không được điều trị. Mổ nội soi tử cung dùng laser đốt các thông nối trong bánh nhau trong thực hành đã làm giảm đáng kể tỷ lệ bệnh tật chu sinh trong thai kỳ đa thai bị biến chứng bởi TTTS, đặc biệt trong thai kỳ song thai 1 bánh nhau, 2 buồng ối (MCDA).



Các thai kỳ song thai 1 bánh nhau, 1 buồng ối (MCMA) có nguy cơ cao tỷ lệ tử vong và bệnh tật thai nhi cao hơn các thai kỳ MCDA. Tỷ lệ mất thai nhìn chung khoảng 6% ở thai kỳ MCMA, phần lớn trong số này xảy ra trước 30 tuần. TTTS có thể xảy ra ở thai kỳ song thai MCMA, mặc dù tỷ lệ của nó được báo cáo thấp hơn 2.4 đến 2.7 lần so với MCDA. Tỷ lệ thấp hơn của TTTS trong MCMA có thể được cho là do sự khác nhau về kiểu thông nối trong bánh nhau được quan sát trong thai kỳ MCMA, với tỷ lệ cao hơn các thông nối động mạch – động mạch, điều này giúp làm giảm sự hiện diện của TTTS. Mặc dù điều này rất quan trọng, nhưng vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu về kết cục của TTTS trong thai kỳ MCMA. Thêm vào đó, vai trò của liệu pháp laser trong thai kỳ MCMA bị TTTS vẫn chưa được xác minh đầy đủ.

Trong thai kỳ song thai MCMA, chuỗi dấu hiệu đa ối – thiểu ối sẽ không được phát hiện, chẩn đoán TTTS được dựa vào việc phát hiện các dấu hiệu lâm sàng khác của hội chứng này, như đa ối (khoang ối lớn nhất ≥ 8 cm trước 20 tuần hoặc ≥ 10 cm sau 20 tuần), chênh lệch kích thước của bàng quang (không quan sát thấy bàng quang ở thai cho và giãn bàng quang của thai nhận), bất thường phổ Doppler của một trong 2 thai.

Kiểu thông nối khác thường trong bánh nhau song thai MCMA với các mạch máu động mạch – động mạch kích thước lớn hơn so với song thai MCDA, có thể đưa đến TTTS cấp tính, làm cho thai tử đột ngột, điều này giải thích cho tỷ lệ tử vong cao trong MCMA.

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống 15 nghiên cứu đoàn hệ, bao gồm 888 thai kỳ MCMA, với 44 thai kỳ bị biến chứng TTTS. Không có RCT nào so sánh sự khác nhau của các phương pháp quản lý trong thai kỳ MCMA bị TTTS.

Ở nhóm các trường hợp không có can thiệp trong tử cung, sảy thai xảy ra ở 11% các trường hợp, trong khi các tỷ lệ thai lưu, tử vong sơ sinh, chu sinh lần lượt là 25.2%, 12.2% và 31.2%. Biến chứng sinh non trước 32 tuần xảy ra ở 50.5% các thai kỳ này.

Trong các trường hợp có điều trị phẫu thuật laser, tỷ lệ sảy thai, thai lưu, tử vong sơ sinh và chu sinh lần lượt là 19.6%, 27.4%, 7.4% và 35.9%, và tỷ lệ sinh non trước 32 tuần là 64.9%.

Trong số các trường hợp điều trị bằng giảm ối, tỷ lệ thai lưu, tử vong sơ sinh, chu sinh là 31.3%, 13.5% và 45.7%, và tỷ lệ sinh non xảy ra ở 76.2% các trường hợp.

Phân tích nhóm các thai kỳ điều trị bằng kẹp tắc dây rốn với số lượng ca rất nhỏ, tỷ lệ sảy thai xảy ra ở 19.2%, trong khi không có trường hợp nào tử vong sơ sinh, chu sinh của thai sống sót còn lại. Tỷ lệ sinh non trước 32 tuần xảy ra ở 50% các trường hợp.


Trong nghiên cứu này tỷ lệ sống sót của ít nhất 1 thai trong MCMA có điều trị laser thấp hơn so với thai kỳ MCDA (47% vs 65%), điều này có thể được giải thích một phần do TTTS trong MCMA xảy ra cấp tính hơn so với MCDA. Thêm vào đó, kỹ thuật thực hiện TTTS trong MCMA khó hơn. Tỷ lệ cao các dây rốn cắm gần nhau và đường kính các mạch thông nối lớn hơn cũng làm cho việc đốt laser khó hơn. Cuối cùng, tỷ lệ tử vong cao trong thai kỳ MCMA được điều trị laser một phần do phần lớn các ca được phát hiện muộn hơn và có biến chứng tim mạch nặng hơn, có thể là do TTTS khó được phát hiện hơn trong MCMA so mới MCDA.

Trong MCDA, giảm ối không phải là phương pháp điều trị chính cho TTTS, tuy nhiên, trong MCMA giảm ối có thể được chỉ định, đặc biệt ở các thai kỳ có TTTS sau 26 tuần, với các triệu chứng của tử cung căng quá mức hoặc triệu chứng của mẹ. Thai kỳ được giảm ối có tỷ lệ sinh non cao, mà không cải thiện đáng kể kết cục sống sót so với các phương pháp khác.

Kẹp tắc dây rốn có thể là một phương pháp điều trị TTTS trong MCDA khi mà một thai có dấu hiệu đe dọa tử vong, đặc biệt khi mà thai chưa có khả năng sống bên ngoài, và được sự đồng ý của pháp luật và cha mẹ thai nhi. Khi thực hiện kẹp tắc dây rốn, việc cắt dây rốn sau khi kẹp tắc đã được báo cáo là một kỹ thuật có thể thực hiện được, nhằm để ngăn ngừa biến chứng xoắn dây rốn 2 thai.

Do đó, thai kỳ song thai một bánh nhau, một buồng ối bị biến chứng hội chứng truyền máu cho nhận có nguy cơ cao tỷ lệ tử vong chu sinh và sinh non.


Tham khảo:
Outcome of twin‐to‐twin transfusion syndrome in monochorionic monoamniotic twin pregnancy: systematic review and meta‐analysis. D. Murgano A. Khalil. UOG 2020.


SONG THAI MỘT BÁNH NHAU, MỘT BUỒNG ỐI
HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU CHO NHẬN
Share không cần hỏi, vui lòng không copy 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét