Trang

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

U MÁU BÁNH NHAU - CHORIOANGIOMA


U MÁU BÁNH NHAU – CHORIOANGIOMA

BS VÕ TÁ SƠN

U máu bánh nhau (chorioangioma) là khối u mạch máu không thuộc nguyên bào nuôi của bánh nhau hay gặp nhất, với tỷ lệ khoảng 1%. Mặc dù nguyên nhân chính xác của nó chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn, nhưng được cho là kết quả của sự phát triển bất thường của các mạch máu trong các giai đoạn khác nhau của sự biệt hóa trong chất xơ nền xuất phát từ mô nhau.

Chẩn đoán trước sinh của u máu bánh nhau dựa vào việc quan sát một khối tăng âm, tròn, bờ rõ, đồng nhất hoặc không, nằm về phía bề mặt con của bánh nhau. Sử dụng Doppler màu cho phép quan sát các mạch máu nuôi đi vào bánh nhau và sự tạo mạch dạng lan tỏa ra xung quanh khối u. Trong hầu hết các trường hợp nặng, các dấu hiệu của suy tim tăng cung lượng, bao gồm tim lớn, đa ối, tăng vận tốc đỉnh động mạch não giữa và thai tích dịch có thể đi kèm cùng với khối u. Kích thước của khối, sự hiện diện của thai tích dịch và tuổi thai khi xuất hiện suy tim đã được báo cáo là các yếu tố chính quyết định kết cục chu sinh ở các thai kỳ bị ảnh hưởng bởi u máu bánh nhau.

Hầu hết các u máu là các tổn thương kích thước nhỏ và không có triệu chứng, chúng chỉ được tìm thấy sau sinh khi cắt lát bánh nhau. Ngược lại, các khối u lớn thường đi kèm với kết cục chu sinh bất lợi, bao gồm thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non, thai lưu và bất thường kết cục phát triển thần kinh.

Một tổng quan hệ thống 28 nghiên cứu (161 thai kỳ) cho thấy, trong các thai kỳ có u máu bánh nhau không có can thiệp gì, tỷ lệ thai chết trong tử cung là 8.2%, trong khi tỷ lệ tử vong sơ sinh và chu sinh xảy ra ở 3.8% và 11.1%, tương ứng. Thai nhỏ chiếm 24% các trường hợp, trong khi sinh non trước 37 tuần chiếm 34.1% các thai kỳ. Tỷ lệ bệnh tật xảy ra ở 12% các trường hợp. Trên siêu âm, các dấu hiệu ảnh hưởng lên huyết động thai nhi hiện diện ở 21% các trường hợp, trong khi đó vận tốc đỉnh của động mạch não giữa tăng ở 20.6% các trường hợp. Phân tích nhóm dựa theo kích thước của khối u, bao gồm các thai kỳ có hoặc không có can thiệp trong tử cung, cho thấy tăng tỷ kết cục bất lợi đi cùng với tăng kích thước khối u.

Thêm vào đó, tỷ lệ kết cục chu sinh bất lợi khá cao ở các thai kỳ có u máu bánh nhau kết hợp với thai tích dịch. Chưa có RCT so sánh các thai kỳ bị biến chứng bởi u máu bánh nhau có các dấu hiệu của suy tim thai (thai tích dịch hay tăng cung lượng tim) được can thiệp hay chỉ theo dõi. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong xảy ra ở 31.2% các thai nhi được can thiệp trong tử cung, và 57.3% có sự thoái triển của thai tích dịch hoặc quá tải tuần hoàn sau điều trị.

U máu bánh nhau đi kèm với kết cục chu sinh bất lợi. Kích thước của khối u và sự hiện diện của thai tích dịch là hai yếu tố chính quyết định mức ảnh hưởng lên kết cục chu sinh của thai kỳ.

Hình ảnh siêu âm u máu bánh nhau (chorioangioma): (a,b,c) Khối echo kém âm bên trong có các dải tăng âm, bờ tròn đều, giới hạn rõ so với phần bánh nhau còn lại, nằm về phía mặt con của bánh nhau, Doppler màu cho thấy rõ sự tăng sinh mạch máu dạng lan tỏa. (d) Tim lớn, dấu hiệu quá tải tuần hoàn do khối u tăng sinh mạch máu.











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét