Trang

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

TỒN TẠI TĨNH MẠCH CHỦ TRÊN BÊN TRÁI, Persistent left superior vena cava

 

TỒN TẠI TĨNH MẠCH CHỦ TRÊN BÊN TRÁI

Persistent left superior vena cava

Bs Võ Tá Sơn lược dịch từ ISUOG

Đơn vị Y học bào thai, Bệnh viện Vinmec Times City

Tờ rơi này giúp bạn hiểu tồn tại tĩnh mạch chủ trên bên trái (PLSVC) là như thế nào, những xét nghiệm bạn cần làm và tác động của việc chẩn đoán trước sinh tồn tại tĩnh mạch chủ trên bên trái đối với bạn, thai nhi và gia đình của bạn.

Tồn tại tĩnh mạch chủ trên bên trái (PLSVC) là gì?

Tồn tại tĩnh mạch chủ trên bên trái (PLSVC) được chẩn đoán khi tĩnh mạch lớn đưa máu trở về từ phần trên của cơ thể đến phía bên phải của tim, gọi là tĩnh mạch chủ trên, được quan sát ở bên trái thay vì bên phải. PLSVC được quan sát ở 1 trong 300 em bé. Nhiều người với biến thể mạch máu này không hề biết về sự tồn tại của nó trong cơ thể mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, PLSVC có thể xảy ra đồng thời với các bất thường tim bẩm sinh khác, như là thông liên thất hoặc hẹp eo động mạch chủ. @bsvotason


Hình minh họa tĩnh mạch chủ trên bên trái (LSVC) #bsvotason


PLSVC xảy ra như thế nào?

PLSVC được gọi là “tồn tại” bởi vì nó có nguồn gốc từ một mạch máu phôi thai, thường co lại và biến mất trong những tuần đầu phát triển trong bụng mẹ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chưa được hiểu biết đầy đủ, ở một số thai nhi, tĩnh mạch chủ trên bên trái vẫn còn hiện diện hoặc “tồn tại”. PLSVC có thể đơn độc, tức là không có bất thường giải phẫu nào khác đi kèm; những gần một nửa số trẻ có PLSVC sẽ có các vấn đề khác, thường gặp nhất là về tim. Cứ 100 người thì có 7 người có thay đổi số lượng nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể là nơi lưu trữ hầu hết thông tin di truyền của chúng ta. Chúng là có 46 nhiễm sắc thể: 23 có nguồn gốc từ bố và 23 còn lại có nguồn gốc từ mẹ. Chúng được sắp xếp thành từng cặp. Một ví dụ, người có hội chứng Down sẽ có thêm một nhiễm sắc thể số 21. @bsvotason

Tôi có nên làm thêm xét nghiệm không?

Nhiều thai phụ sẽ chọn làm nhiều xét nghiệm hơn để biết thêm về tình trạng của thai nhi. Các xét nghiệm tùy thuộc vào điều kiện sẵn có. Các xét nghiệm cần làm bao gồm chọc ối (dùng kim để hút nước ối từ trong tử cung) để tìm kiếm các bất thường về số lượng các nhiễm sắc thể và một số vấn đề về cấu trúc của nhiễm sắc thể. Bạn cũng nên yêu cầu nếu siêu âm tim thai, một loại siêu âm chuyên sâu về tim của em bé trong thai kỳ, có thể được thực hiện. Bạn cũng nên yêu cầu bác sĩ y học bào thai siêu âm đánh giá chi tiết hình thái thai nhi.



Hình ảnh tồn tại tĩnh mạch chủ trên bên trái trên siêu âm tim thai.

Những điều cần chú ý trong thai kỳ?

Trẻ sơ sinh với PLSVC có nguy cơ mắc một số vấn đề trong thai kỳ. Đó là lý do tại sao hầu hết các bác sĩ chuyên khoa sẽ khuyên bạn nên khám siêu âm thường xuyên. Siêu âm sẽ giúp xác định xem tim của em bé có đang tiến triển về hướng hẹp eo động mạch chủ hay không. Đây là tình trạng thu hẹp ở bên trong động mạch chính mang máu từ tim đi.

PLSVC có ảnh hưởng đến con tôi như thế nào sau sinh?

Vấn đề lớn nhất với trẻ sơ sinh bị PLSVC là sự tiến triển của hẹp eo động mạch chủ. Em bé nên được siêu âm đánh giá sự tiến triển của tình trạng hẹp eo động mạch chủ.

Những em bé gặp vấn đề về nhiễm sắc thể hoặc bất thường tim có thể gặp những khó khăn khác sau sinh, tùy thuộc vào chẩn đoán cụ thể của từng cá nhân. Khi em bé lớn lên, PLSVC đơn độc thường sẽ không có bất kỳ vấn đề gì. #bsvotason

PLSVC có thể tái mắc ở thai kỳ sau hay không?

Khi không có lý do nào về mặt di truyền được tìm thấy để giải thích cho PLSVC, nguy cơ điều này xảy ra lần nữa là cực kỳ thấp. Nếu có lý do về mặt di truyền, thì nguy cơ tái phát tùy thuộc vào chẩn đoán di truyền đó. Tham khảo ý kiến của một chuyên gia có thể hữu ích để giải quyết vấn đề này.

Tôi nên hỏi thêm những câu hỏi nào khác?

·        Tim em bé có bình thường không?

·        Tôi nên siêu âm bao lâu một lần?

·        Hẹp eo động mạch chủ trong thai kỳ có thể được dự đoán không?

·        Tôi nên sinh bé ở đâu?

·        Em bé sẽ được chăm sóc tốt nhất ở đâu sau khi chào đời?

·        Tôi có thể gặp đội ngũ bác sĩ sẽ chăm sóc cho con tôi sau khi sinh không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét