Khe hở thành bụng thai nhi - Gastrochisis
Bs Võ Tá Sơn
Đơn vị Y học bào thai, Bệnh viện Vinmec Times City
Khe hở
thành bụng là gì?
Thuật ngữ “gastrochisis –
khe hở thành bụng” xuất phát từ 2 chữ trong tiếng Hy Lạp, “gastro” có
nghĩa là dạ dày, và “chisis” có nghĩa là khe hở. Thai nhi có khe hở thành
bụng sẽ có một lỗ khuyết ở trên thành bụng ngay phía bên phải của dây rốn. Lỗ này
thường nhỏ, nhưng có thể dài một vài inch hoặc centimet. Thông thường, lỗ khuyết
này đủ lớn và ruột của em bé có thể chui qua khe hở này và ra ngoài trôi tự do
bên ngoài nước ối. Ruột ở bên ngoài cơ thể không được bảo vệ sẽ bị kích ứng viêm
theo thời gian. Đôi khi một phần dạ dày cũng có thể nằm ngoài ổ bụng.
Hình ảnh minh họa ruột bị thoát vị ra ngoài qua khe hở
thành bụng.
Khe hở thành bụng
xảy ra như thế nào?
Chúng ta không biết được khe hở
thành bụng xảy ra như thế nào. Tỷ lệ xảy ra ở khoảng 1 trên 2000 đến 3000 thai
kỳ, và có vẻ như gần đây tỷ lệ này tăng lên. Bệnh này thường xảy ra ở phụ nữ trẻ
nhiều hơn và những người có hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy, nhưng thường thì
các thai phụ có con bị khe hở thành bụng không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
Khe hở thành bụng thường không liên quan đến các bất thường di truyền hoặc hội
chứng Down. (Bài viết của bác sĩ Võ Tá Sơn, Đơn vị Y học bào thai, Bệnh viện Vinmec Times City).
Tôi cần làm thêm xét
nghiệm gì không?
Bác sĩ sẽ khuyên bạn thực hiện
siêu âm chi tiết để tìm các bất thường khác đi kèm, hoặc siêu âm tim thai để đánh
giá chi tiết tim thai nếu điều này chưa được thực hiện ở các lần siêu âm trước đó.
Thông thường, siêu âm được thực hiện mỗi tháng hoặc lâu hơn để theo dõi sự phát
triển của em bé và đánh giá lại ruột. Thai nhi sẽ được theo dõi với Doppler động
mạch rốn để đảm bảo rằng nhau thai cung cấp tốt chất dinh dưỡng.
Hình ảnh siêu âm thai nhi bị khe hở thành bụng.
Trong thai kỳ cân
chú ý theo dõi điều gì?
Thai nhi bị khe hở thành bụng
sẽ không phát triển tốt, do đó việc đánh giá bằng siêu âm nên được thực hiện đều
đặn để đánh giá sự phát triển và đánh giá chức năng của bánh nhau. Việc đánh giá
sự di chuyển của thai nhi, nhịp thở, trương lực cơ và nước ối thường được thực
hiện vào giai đoạn sau của thai kỳ như một cánh khác để đánh giá sức khỏe em bé.
Bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn theo dõi tim thai bằng máy trong khoảng 20 đến 30 phút
mỗi lần khám thai. Điều này cũng để đảm bảo rằng em bé hoạt động tốt.
Khe hở thành bụng cũng thường đi
kèm với sinh non và thai lưu, nhưng thai lưu hiếm gặp ở các thai nhi được theo
dõi cẩn thận. Việc báo cho bác sĩ của bạn biết nếu có các dấu hiệu của chuyển dạ
như con gò tử cung, ra nước ối, hoặc chảy máu, hoặc nếu bạn không cảm nhận được
thai máy là rất quan trọng.
Về việc lên kế hoạch sinh, bạn
nên cân nhắc sinh ở bệnh viện có bác sĩ chuyên sâu về sơ sinh, người có thể chăm
sóc các em bé bị khe hở thành bụng, và nơi có bác sĩ phẫu thuật nhi để sửa chữa
và đưa ruột vào lại bên trong ổ bụng. Bản thân khe hở thành bụng không phải là
chỉ định để mổ đẻ, do đó bạn có thể cân nhắc sinh thường khi đủ tháng miễn là
không có gì bất thường khác trong thai kỳ. Vì lo lắng nguy cơ em bé tử vong
trong thai kỳ, hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo khởi phát chuyển dạ trước ngày
dự sinh vài tuần để tránh thai chết lưu.
Khe hở thành bụng
có ảnh hưởng gì với em bé sau sinh?
Nếu em bé được phát hiện có tình
trạng này trong thai kỳ, có thể tiến hành phẫu thuật khi em bé ra đời để đưa ruột
vào bên trong ổ bụng và sửa chữa khe hở thành bụng. Những tuần đầu tiên sau
sinh có thể đặc biệt khó khăn đối với trẻ sơ sinh bị khe hở thành bụng. Trẻ
sinh ra với tình trạng này có thể nhẹ cân hơn bình thường. Chúng cần hồi phục
sau phẫu thuật, và ruột cần thời gian để lành lại trước khi bắt đầu sử dụng sữa
công thức hoặc sữa mẹ. Em bé thường cần được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch với
các loại dịch đặc biệt. Bác sĩ nhi sẽ giúp bạn đánh giá khả năng ăn của em bé và
theo dõi sát các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc tắc ruột. Nếu tắc ruột xảy ra, em bé
sẽ cần phẫu thuật lần 2. May thay, các biến chứng lâu dài là hiếm gặp. Hầu hết
các em bé đều hồi phục tốt và có cuộc sống bình thường. Một số trẻ sẽ gặp vấn đề
lâu dài do đường ruột bị tổn thương và không thể tiêu hóa thức ăn tốt như các
trẻ khác. Có một vài dấu hiệu trên siêu âm có thể cho thấy em bé có nguy cơ cao
hơn mắc các vấn đề lâu dài.
Hình ảnh em bé bị khe hở thành bụng sau sinh.
Khe hở thành bụng
có bị tái mắc ở thai kỳ sau không?
Khe hở thành bụng không được
cho là bệnh di truyền qua gene hoặc có tính di truyền. Do đó nguy cơ tái mắc ở
thai kỳ sau là rất thấp.
Bạn nên hỏi bác sĩ
những câu hỏi khác?
·
Em bé bị khe hở thành
bụng đơn giản hay phức tạp?
·
Em bé có bị các bất
thường khác ngoài khe hở thành bụng không?
·
Tôi nên siêu âm định
kỳ bao lâu một lần?
·
Tôi nên sinh bé ở đâu?
·
Tôi nên sinh thường
hay mổ đẻ?
·
Em bé có thể nhận được
sự chăm sóc tốt nhất ở đâu?
·
Tôi có thể gặp trước
đội ngũ bác sĩ sẽ chăm sóc em bé sau sinh không?
Bs Võ Tá Sơn dịch từ "Thông tin dành cho khách hàng" của ISUOG cập nhật tháng 1/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét