U QUÁI VÙNG CÙNG CỤT THAI NHI
SACCROCOCCYGEAL TERATOMA (SCT)
Bs Võ Tá Sơn
Đơn vị Y học bào thai, Bệnh viện Vinmec Times City
U quái vùng
cùng cụt là gì?
U quái vùng cùng cụt là một khối
u phát triển trước sinh ở vùng xương cụt của em bé – hay được biết với tên
gọi là xương đuôi (tailbone). Đây là khối u hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh,
với tỷ lệ khoảng 1 trên 35,000 đến 40,000 trẻ sinh sống.
Khối u này thường được da che
phủ, nhưng cũng có thể được che phủ bởi một màng mô mỏng, trong suốt. Hầu hết các
khối u có nhiều mạch máu nuôi dưỡng. Chúng có nhiều kích thước khác nhau, và đôi
khi chúng có thể phát triển ra ngoài từ phía sau hoặc về phía bụng em bé.
Hình ảnh minh họa khối u quái vùng cùng cụt thai nhi.
SCT được phân loại dựa theo vị
trí và mức độ nặng:
Nhóm I: khối u ở bên ngoài cơ thể và bám vào phần xương đuôi.
Nhóm II: khối u ở cả bên trong và ngoài cơ thể.
Nhóm III: có thể được nhìn thấy từ bên ngoài, nhưng phần lới
khối u nằm bên trong ổ bụng em bé.
Nhóm IV: là nhóm nguy hiểm nhất, không thể thấy được từ bên ngoài.
Chúng nằm trong cơ thể ngang vị trí xương đuôi.
Chẩn đoán
u quái vùng cùng cụt
Các dấu hiệu và triệu chứng của
u quái vùng cùng cụt phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Một số khối
u có thể được chẩn đoán bằng siêu âm trước sinh. Bụng mẹ lớn bất thường là dấu
hiệu hay gặp đầu tiên gợi ý em bé có thể có khối u. Kích thước tử cung lớn hơn
bình thường có thể do khối u lớn hoặc do đa ối. Các biểu hiện ít gặp hơn bao gồm
tiền sản giật ở mẹ. U quái cùng cụt thai nhi có thể ở dạng nang, dạng đặc hoặc
dạng hỗn hợp trên hình ảnh siêu âm. Hình ảnh mật độ không đồng nhất của khối u
có thể do vùng hỗn hợp của khối u hoại tử, thoái hóa nang, xuất huyết hoặc canxi
hóa.
Hình ảnh siêu âm khối u quái vùng cùng cụt thai nhi.
Bạn có thể mất vài ngày để đánh
giá và khẳng định chẩn đoán của khối u vùng cùng cụt. Sau đó, đội ngũ bác sĩ sẽ
giải thích chẩn đoán, thảo luận về các phương pháp điều trị. (Bs Võ Tá Sơn, đơn vị Y học bào thai, Bệnh Viện Vinmec Times City).
Nếu thai nhi được chẩn đoán có
u quái vùng cùng cụt, bạn sẽ được tiếp tục theo dõi để đánh giá sự tăng trưởng
của khối u hoặc sự thay đổi tình trạng sức khỏe của em bé để có thể can thiệp kịp
thời nếu cần. Em bé có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ khối SCT nếu kích thước và
mức độ nặng của khối u gây các biến chứng như thai tích dịch - đặt em bé hoặc mẹ
vào nguy cơ cao.
Các khối u khác có thể không được
phát hiện cho đến khi em bé ra đời. Sau khi sinh, em bé có thể có các triệu chứng
chỉ dấu cho SCT, như là không đi tiểu được hoặc tăng nhu động ruột vì khối u chèn
ép vào bàng quang hoặc trực tràng. Một số trẻ hoàn toàn không có bất cứ triệu
chứng nào.
Hình ảnh cộng hưởng từ khối u vùng cùng cụt thai nhi.
Nguy cơ
và biến chứng
Khi SCT được chẩn đoán trước
sinh đi kèm với thai tích dịch, khối u có thể đe dọa đến sức khỏe của cả mẹ và
bé.
Trong các trường hợp nặng, khối
u “lấy trộm” máu từ tuần hoàn của thai nhi, gây nên tình trạng tim thai nhi làm
việc quá tải và có thể dẫn đến suy tim. Suy tim có biểu hiện như phù thai, tích
dịch ở các khoang cơ thể thai nhi. Thai tích dịch thường đi kèm với SCT thường
tiến triển nhanh và gần như kết cục xấu.
Về phía mẹ, có nguy cơ của “hội
chứng gương” trong trường hợp tình trạng mẹ phù tương tự như thai phù. Khi phù
thai hiện diện, người mẹ có thể bị phù giống thai cùng với các dấu hiệu của tiền
sản giật – đó là tình trạng tăng huyết áp thai kỳ, có đạm trong nước tiểu và phù
mọng do giữ nước.
Theo dõi
và lên kế hoạch sinh
Nếu tình trạng em bé ổn định và
không có suy tim tăng cung lượng (phù thai), thai kỳ của bạn sẽ được theo dõi với
siêu âm định kỳ. Nếu khối u quái cùng cụt có kích thước nhỏ, có thể sinh thường
qua ngả âm đạo vào lúc đủ tháng.
Nếu SCT có kích thước lớn hoặc
có đa ối, mổ lấy thai sớm chủ động để tránh tình trạng vỡ khối u cũng như nguy
cơ chuyển dạ sinh non và sinh non.
Nếu thai nhi bị phù, bạn có thể
cân nhắc được chỉ định phẫu thuật bào thai.
Điều trị
u quái cùng cụt
Điều trị SCT liên quan đến phẫu
thuật cắt bỏ khối u. Tùy thuộc vào chẩn đoán và mức độ nặng của khối u, có thể
cần phẫu thuật cắt bỏ trước khi sinh, hoặc sau sinh.
Phẫu thuật cắt bỏ trước sinh
chỉ được chỉ định khi có phù thai, đặt em bé vào tình trạng nguy cơ cao.
Theo dõi
dài hạn
Hầu hết các khối u quái vùng cùng
cụt thai nhi ít có khả năng ác tính, và tiên lượng thường tốt sau cắt bỏ.
Tham khảo từ CHOP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét