Lựa chọn khôn ngoan: 20 điều bác sĩ và
bệnh nhân nên thắc mắc
Choosing Wisely: Twenty Things
Physicians and Patients Should Question
Bác sĩ Võ Tá Sơn,
Đơn vị Y học bào
thai, Bệnh viện Vinmec Times City
Vào tháng 3, 2021,
Hội Y học mẹ và bào thai (SMFM) đã phát hành danh sách “20 điều bác sĩ và bệnh
nhân nên thắc mắc” trong các thai kỳ nguy cơ cao như là một phần của chiến dịch
“Lựa chọn thông minh”, do Hội đồng Nội khoa Hoa Kỳ sáng lập. Danh sách này được
xây dựng trên các bản phát hành trước đó “15 điều bác sĩ và bệnh nhân nên thắc
mắc” được phát hành vào tháng 4 năm 2019.
Danh sách của
SMFM bao gồm 20 khuyến cáo dựa trên bằng chứng có thể hỗ trợ các bác sĩ chuyên
khoa về y học bà mẹ - thai nhi và các khách hàng trong việc đưa ra những lựa chọn
thông minh về việc chăm sóc thai kỳ. Các mục có trong danh sách được phát triển
dựa trên việc xem xét các tài liệu và bằng chứng từ các công bố của SMFM bởi
các thành viên ủy ban xuất bản SMFM: Cynthia Bean, MD; Joseph Biggio, Jr, MD;
Manisha Gandhi, MD; Lorie Harper, MD, MSCI; Jeffrey Kuller, MD; Mary Norton,
MD; Flint Porter, MD; Vineet Shrivastava, MD; Anthony Sciscione, DO (Chủ tịch, Nhóm
Lựa chọn khôn ngoan).
Danh sách bao gồm
các khuyến cáo sau:
1. Không thực hiện đánh giá
thrombophilia di truyền đối với những phụ nữ có tiền sử sẩy thai, thai chậm
tăng trưởng (FGR), tiền sản giật và nhau bong non.
Thiếu các dữ liệu khoa học hỗ trợ mối liên hệ nhân quả giữa MTHFR hoặc các
thrombophilia di truyền hay gặp khác với kết cục
thai kỳ bất lợi như là sẩy thai liên tiếp, tiền sản giật nặng và FGR.
Xét nghiệm đặc hiệu đối với kháng thể antiphospholipid, khi có chỉ
định lâm sàng, nên giới hạn ở các kháng thể kháng đông lupus, kháng thể
kháng cardiolipin và kháng thể beta 2 glycoprotein.
2. Không khâu eo tử cung ở các
thai phụ mang song thai có kênh cổ tử cung ngắn.
Thai phụ mang song thai có kênh cổ tử cung ngắn có nguy cơ sinh non rất
cao, nhưng dữ liệu khoa học bao gồm cả phân tích tổng hợp dữ liệu được công bố
về vấn đề này, cho thấy rằng việc khâu cổ tử cung trong tình huống lâm sàng này
không chỉ không có lợi, mà trên thực tế còn có thể có hại, ví dụ như liên quan
đến tăng các tỷ lệ sinh non.
Đề xuất bị rút lại
Tuyên bố này đang được rút lại dựa trên các dữ liệu được công bố gần đây
cung cấp thông tin về việc sử dụng khâu eo tử cung ở thai kỳ song thai có kênh
cổ tử cung ngắn. Nghiên cứu đầu tiên là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu các thai kỳ với kênh cổ tử cung <2.5cm hoặc cổ tử cung mở > 1cm cho thấy rằng có sự
giảm tỷ lệ sinh non tự nhiên trước 32 tuần ở các trường hợp khâu eo so với các
trường hợp chỉ điều trị theo dõi, đặc biệt ở các bệnh nhân có hiện tượng mở cổ
tử cung. Trong một thử nghiệm đa trung tâm có đối chứng ngẫu nhiên nhãn mở, các
thai kỳ song thai với cổ tử cung mở không có triệu chứng (được định nghĩa <5
cm) từ 16 tuần đến 23 tuần 6 ngày được lâm sàng chỉ định khâu eo tử cung cho thấy có giảm 50% tỷ lệ sinh non ở tuổi
thai dưới 28 tuần và giảm 78% tỷ lệ tử vong chu sinh. Những dữ liệu mới này không phải là một chỉ dấu để khuyến
cáo can thiệp này, tuy nhiên, là đủ để loại bỏ bất kỳ khuyến cáo nào chống lại
nó.
3. Không đưa ra những quyết định không thể thay đổi được khi chỉ dựa vào kết của của xét nghiệm
sàng lọc DNA tự do (NIPT).
Kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả có thể xảy ra với xét nghiệm DNA tế
bào tự do. Bất kỳ kết quả dương tính nào của sàng lọc DNA tự do nên được khẳng định bằng xét nghiệm chẩn đoán
xâm lấn trước khi đình chỉ thai nghén. Nếu thực hiện xét nghiệm sàng lọc
DNA tự do, cần cung cấp đầy đủ tư vấn trước xét nghiệm để giải thích những lợi
ích và giới hạn của nó.
4. Không sàng lọc thai chậm tăng trưởng
(FGR) bằng nghiên cứu Doppler dòng máu.
Các nghiên cứu cố gắng sàng lọc các thai kỳ để phát hiện FGR xảy ra sau đó
đã đưa ra các kết quả không nhất quán. Hơn nữa, không có tiêu chuẩn nào được
thiết lập về định nghĩa tối ưu cho một xét nghiệm bất thường, tuổi thai tốt nhất
để thực hiện xét nghiệm hoặc kỹ thuật để thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, một
khi chẩn đoán FGR được nghi ngờ, việc sử dung các biện pháp theo dõi thai nhi
trước sinh bao gồm Doppler động mạch rốn là có lợi.
5. Không sử dụng progestogens để dự phòng
sinh non ở các thai kỳ đa thai không biến chứng.
Việc sử dụng progestogen đã không được chứng minh làm giảm tỷ lệ sinh non ở
các phụ nữ mang thai kỳ đa thai không biến chứng.
6. Không thực hiện đo chiều dài kênh cổ
tử cung thường quy để đánh giá nguy cơ sinh non ở thai phụ không có triệu chứng
trước 16 tuần và sau 24 tuần.
Khả năng dựa đoán của chiều dài kênh cổ tử cung trước 16 tuần để đánh giá
nguy cơ sinh non còn hạn chế. Việc này nên được thực hiện, khi có chỉ định, tuổi
thai từ 16 đến 24 tuần. Sàng lọc đo chiều dài kênh cổ tử cùng thường quy để
đánh giá nguy cơ sinh non ở thai phụ không có triệu chứng sau tuần 24 chưa được
chứng minh là có hiệu quả.
7. Không thực hiện xét nghiệm đánh giá sức khỏe
thai nhi trước sinh cho các thai phụ có chẩn đoán tiểu đường thai kỳ
mà được kiểm soát đường máu tốt chỉ bằng chế độ ăn và không có chỉ định khác
cho xét nghiệm.
Theo dõi nồng độ glucose và duy trì kiểm soát đường huyết đầy đủ đối với
tiểu đường thai kỳ là điều tối quan trọng để làm giảm các kết cục bất lợi, kể cả
thai lưu. Nếu chỉ điều chỉnh chế độ ăn và theo dõi đường máu, mà không cần điều
trị bằng thuốc, vẫn kiểm soát được tình trạng đường máu của mẹ thì nguy cơ thai
lưu do suy tuần hoàn tử cung – bánh nhau không tăng lên. Do đó, việc sử dụng
các xét nghiệm theo dõi trước sinh thường quy (ví dụ như trắc đồ vật lý
(BPP) hoặc test không đả kích (NST)) khi không có các bất thường khác
là không được chỉ định.
8. Không để các thai phụ thậm chí cả
những người có nguy cơ cao sinh non, hạn chế hoạt động để ngăn ngừa sinh non.
Không có nghiên cứu nào ghi nhận sự cải thiện kết quả ở các thai phụ có
nguy cơ sinh non bằng việc thực hiện hạn chế hoạt động, bao gồm cả việc nghỉ
ngơi tại giường. Có nhiều nghiên cứu ghi nhận những tác động không mong muốn của
việc hạn chế các hoạt động thường ngày đối với người mẹ và gia đình, bao gồm cả
những tác động tiêu cực về mặt tâm lý xã hội. Do đó, hạn chế hoạt động không
nên được chỉ định thường xuyên như một phương pháp điều trị để làm giảm sinh
non.
9. Không yêu cầu sàng lọc lệch bội bằng
xét nghiệm huyết thanh máu mẹ sau khi đã thực hiện sàng lọc bằng cfDNA (NIPT).
Sinh hóa huyết thanh và DNA tự do (cfDNA) đều là những xét nghiệm sàng lọc
lệch bội thai nhi. Khi kết quả nguy cơ thấp đã được báo cáo trên một trong hai
xét nghiệm trên, thì việc thực hiện sàng lọc khác có giá trị lâm sàng hạn chế.
Trong khi sàng lọc huyết thanh có thể xác định một số lệch bội (hiếm gặp
- RAT) không được phát hiện bằng cfDNA, nhưng tỷ lệ những bệnh này quá
thấp để ủng hỗ xét nghiệm này nếu sàng lọc cfDNA đã được thực hiện trước đó.
10. Không thực hiện các xét nghiệm huyết thanh mẹ cho cytomegalovirus và toxoplasma như
là một phần xét nghiệm trước sinh thường quy.
Sàng lọc huyết thanh thường quy ở thai phụ cho CMV và toxoplasmosis không
được khuyến cáo do giá trị tiên đoán của các xét nghiệm này kém và có khả năng
gây hại vì kết quả dương tính giả. Sàng lọc huyết thanh trong thai kỳ cho cả 2
bệnh lý này nên được dành cho trường hợp có nghi ngờ nhiễm trùng mẹ hoặc thai
trên lâm sàng hoặc siêu âm.
11. Không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán sau
khi siêu âm xác định nốt sáng đơn độc trong tim (EIF) hoặc nang đám rối màng mạch
(CPC) ở thai phụ có kết quả sàng lọc lệch bội nguy cơ thấp.
Khái niệm sử dụng các dấu hiệu mềm trên siêu âm cho lệch bội, chẳng hạn
như EIF và CPC, đã được giới thiệu trong thời đại mà trước đó việc sàng lọc hội
chứng Down dựa vào các yếu tố khác với tuổi mẹ. Vì độ nhạy của sàng lọc DNA tự
do (cfDNA) cho hội chứng Down là 99%, nguy cơ còn lại đối với hội chứng Down là
rất thấp ở các thai phụ có kết quả sàng lọc cfDNA âm tính. Do nguy cơ trước đó
thấp, nên sự hiện diện của EIF hoặc CPC đơn độc có vẻ không làm tăng tỷ lệ phát
hiện lệch bội. Ngoài ra, đối với thai phụ có EIF hoặc CPC đơn độc trên siêu âm
quý 2 trong tình huống các xét nghiệm sàng lọc lệch bội ở quý 1 hoặc quý 2 âm
tính, một cách tiếp cận hợp lý là coi sự hiện diện của các dấu hiệu này như là một
biến thể bình thường. Các hướng dẫn gần đây của SMFM nêu rõ rằng không
nên khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán cho bệnh nhân chỉ với chỉ định do EIF hoặc
CPC đơn độc trong trường hợp kết quả sàng lọc cfDNA âm tính hoặc kết quả sàng lọc
quý 1 hoặc 2 âm tính.
12. Không thực hiện đo chiều dài kênh cổ tử cung sau khi đã
khâu eo tử cung.
Mặc dù cổ tử cung ngắn dần sau khi khâu eo tử cung làm tăng nguy cơ sinh
non, nhưng cả chiều dài toàn bộ kênh cổ tử cung lẫn chiều dài dưới vị trí khâu đều
không tương quan tốt với kết cục. Quan trọng nhất, hiện không có lựa chọn điều
trị bổ sung nào cho cổ tử cung ngắn sau khi khâu eo tử cung (ví dụ, việc khâu gia cố không làm cải thiện kết cục thai kỳ). Mặc dù có thể có
những lợi ích lý thuyết về mặt tâm lý đối với bệnh nhân và bác sĩ trong việc
quan sát vết khâu, nhưng không đủ dữ liệu để gợi ý lợi ích lâm sàng của việc đo
chiều dài cổ tử cung thường quy sau khi khâu eo.
13. Không xét nghiệm tìm đột biến MTHFR cho phụ nữ.
MTHFR chịu trách nhiệm cho việc chuyển đổi 5,10-methylenetetrahydrofolate
thành 5-methyltetrahydrofolate. Biến thể di truyền C677T và A1286C có liên quan
đến việc làm giảm nhẹ hoạt động của enzym, trong đó việc giảm nồng độ folate đươc
phát hiện là một yếu tố nguy cơ gây tăng homocystein máu
(hyperhomocysteinemia). Mặc dù tăng homocystein máu là một yếu tố nguy cơ của bênh
tim mạch và huyết khối tĩnh mạch, nhưng nguyên nhân của nó là đa yếu tố và không
phụ thuộc vào kiểu gene MTHFR, thậm chí ở cả những người mang đột biến đồng hợp
tử. Mặc dù các nghiên cứu trước đó (chủ yếu là nghiên cứu bệnh chứng) đã tìm ra
mối liên quan giữa kiểu gene MTHFR và các kết cục bất lợi, các nghiên cứu gần đây
được thiết kế mạnh hơn đã không lặp lại những phát hiện này. Vì
thiếu bằng chứng độc lập liên quan giữa kiểu gene và huyết khối, sảy thai liên
tiếp, hoặc các kết cục thai kỳ bất lợi, do đó, không nên chỉ định xét nghiệm kiểu
gene MTHFR như một phần của công việc điều trị cho thrombophilia.
14. Không sàng lọc suy giáp dưới lâm sàng cho các thai phụ không
có triệu chứng.
Suy giáp dưới lâm sàng (SCH) được định nghĩa là nồng độ TSH huyết thanh tăng
cao trong khi nồng độ T4 tự do bình thường và được tìm thấy ở 2% - 5% ở các thai
phụ khỏe mạnh. SCH ít có khả năng tiến triển thành suy giáp thực sự trong thai
kỳ. Trong khi một số tác giả và tổ chức đã khuyến cáo sàng lọc thường quy cho tất
cả thai phụ và điều trị sau đó bằng levothyroxine, hai thử nghiệm lâm sàng ngẫu
nhiên tiến cứu gần đây, quy mô lớn (>100.000 phụ nữ) về sàng lọc và điều trị
cho SCH cho thấy việc điều trị không tác động hiệu quả đến chỉ số IQ của trẻ vào
lúc 5 tuổi. Vì việc điều trị cho SCH không mang lại lợi ích lên kết cục, nên hiện
nay không khuyến cáo sàng lọc SCH định kỳ. Sàng lọc mục tiêu cho những phụ
nữ có nguy cơ suy giáp thực sự vẫn là thực hành phù hợp.
15. Không sử dụng chỉ số nước ối (AFI) để chẩn đoán thiểu ối (ở
quý 3).
Thể tích nước ối có thể được đo bằng cách sử dụng hoặc chỉ số ối (AFI) hoặc
khoang ối dọc sâu nhất (DVP). Chẩn đoán của thiểu ối dựa trên AFI < 5cm đã được
phát hiện là đưa tới số lượng can thiệp sản khoa nhiều hơn mà không có lợi ích đáng
kể trong việc cải thiện kết cục chu sinh khi so sánh với việc sử dụng DVP <
2cm để chẩn đoán.
16. Không thực hiện sàng lọc thường quy bằng
cfDNA cho các vi mất đoạn.
Sàng lọc cfDNA cho các lệch bội phổ biến có tỷ lệ phát hiện cao và tỷ lệ dương
tính giả thấp. Xét nghiệm sàng lọc này hiện tại cũng được cung cấp cho một số ít
hội chứng vi mất đoạn. Hầu hết các vi mất đoạn này là hiếm gặp. Vì tỷ lệ rất thấp
của những tình trạng này, cho nên hầu hết các kết quả xét nghiệm dương tính sẽ
là dương tính giả, và giá trị tiên đoán dương của xét nghiệm rất thấp. Hơn nữa,
dữ liệu về hiệu quả của sàng lọc vi mất đoạn là hạn chế, điều này có thể làm tăng
đáng kể chi phí của xét nghiệm.
17. Không
thực hiện thường quy các chỉ dấu sinh học huyết thanh ở quý
2 để phân tầng nguy cơ cho sinh non hoặc tiền sản giật ở các thai phụ không có
triệu chứng.
Việc phân tầng nguy cơ dựa vào các chỉ dấu sinh học thường quy ở quý 2 cho
sinh non (ví dụ, các cytokine) và tiền sản giật (ví dụ, PlGF, sFlt-1) ở các
thai phụ không có triệu chứng không được khuyến cáo vì lợi ích hạn chế và giá
trị tiên đoán kém. Quan trọng hơn, việc sử dụng các biện pháp can thiệp (ví dụ,
aspirin liều thấp) dựa trên kết quả sàng lọc này đã không được chứng minh là cải
thiện kết cục mẹ và thai. Ngoài ra, nhiều phụ nữ có khả năng tiếp xúc với các
can thiệp dự phòng không cần thiết.
18. Không khuyến cáo sinh trước 39 tuần thai kỳ
đối với bệnh nhân nghi ngờ thai to không do tiểu đường.
Các khuyến cáo liên quan đến thời điểm sinh tối ưu nhằm cân bằng các rủi
ro giữa mẹ và thai. Việc sinh trước 39 tuần thai kỳ mà không có chỉ định y khoa
có liên quan đến việc tăng các kết cục chu sinh bất lợi so với sinh khi thai từ
39 tuần trở đi. Khi nghi ngờ thai to, độ chính xác của cân nặng thai nhi ước
đoán qua siêu âm và lâm sàng là không chính xác. Thêm vào đó, dữ liệu
so sánh giữa việc sinh và theo dõi tiếp cho các trường hợp nghi ngờ thai to là không
đồng nhất liên quan đến giảm nguy cơ kẹt vai, đặc biệt là khi cân nhắc với tác
hại của việc sinh sớm. Vì sự không chính xác của việc đánh giá cân nặng, sự gia
tăng các kết cục chu sinh bất lợi, và dữ liệu chứng minh lợi ích còn hạn chế, việc sinh trước 39 tuần là không được khuyến cáo cho các thai phụ
nghi ngờ thai to không do tiểu đường.
19. Không
loại bỏ thường quy các thai phụ có tiền sử mổ đẻ
theo đường ngang thấp 2 lần ra khỏi các lựa chọn thực hiện thử nghiệm sinh
thường sau mổ đẻ.
Mặc dù ở trong một số nghiên cứu, các thai phụ có tiền sử sinh mổ 2 lần thử
nghiệm chuyển dạ sinh thường có tỷ lệ biến chứng cao hơn các thai phụ chỉ sinh
mổ 1 lần trước đó, nguy cơ của bất kỳ biến chứng nặng nào vẫn thấp và cơ hội
sinh thường qua ngã âm đạo vẫn tương tự như những người chỉ mổ đẻ 1 lần. Vì
nguy cơ bệnh tật của mẹ và nhau cài răng lược đi kèm với việc mổ lấy thai nhiều
lần, việc thử nghiệm chuyển dạ sinh thường vẫn nên là một lựa chọn cho những
thai phụ có 2 lần mổ đẻ theo đường mổ ngang thấp trước đó.
20. Không thực hiện nuôi cấy liên cầu nhóm B
(GBS) ở quý 3 cho các thai phụ có vi khuẩn GBS trong nước tiểu trong suốt thai
kỳ.
Vi khuẩn GBS trong nước tiểu ở mức 105 CFU/mL trở lên, có hoặc không có
triệu chứng, cần được điều trị ngay trong thai kỳ và cho thấy sự cần thiết của việc
điều trị kháng sinh tại thời điểm sinh, và do đó, không cần cấy dịch âm đạo –
trực tràng bổ sung sau đó. Việc xác định vi khuẩn niệu GBS không triệu chứng
trong thai kỳ ở mức dưới 105 CFU/mL không đòi hỏi điều trị cho mẹ trong thời kỳ
trước sinh nhưng là một chỉ định cho điều trị dự phòng tại thời điểm sinh.
📣 Đặt hẹn khám, tư vấn và siêu âm hội chẩn bác sĩ Võ Tá Sơn, đơn vị Y học
bào thai, Bệnh viện Vinmec Times City, Hà Nội theo số tổng đài 0243.974.3556 từ
8h – 16h các ngày trong tuần.
📣 Đặt hẹn khám và siêu âm từ 17h – 20h thứ 4 và thứ 7 tại số 4, ngõ 4 Kim Đồng,
Hà Nội. Điện thoại 0978846100
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét