Trang

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Hội chứng truyền máu song thai độ 1: Nên điều trị theo dõi hay phẫu thuật ngay?

 

Hội chứng truyền máu song thai độ 1: Nên điều trị theo dõi hay phẫu thuật ngay?

Bs Võ Tá Sơn

Đơn vị Y học bào thai, Bệnh viện Vinmec Times City

Như chúng ta đã biết, phẫu thuật nội soi đốt các mạch máu thông nối trong bánh nhau giữa 2 thai là lựa chọn điều trị đầu tay cho hội chứng truyền máu cho nhận (TTTS). Tuy nhiên, ở giai đoạn 1 của TTTS, các nguy cơ do phẫu thuật có thể cao hơn so với các nguy cơ khi điều trị theo dõi tiến triển tự nhiên. Do đó nhóm nghiên cứu của GS Yves Ville từ Paris Necker đã thực hiện một thử nghiệm ngẫu nhiên đa quốc gia để làm rõ hiệu quả của phẫu thuật laser trong giai đoạn 1 bệnh lý này.

Nghiên cứu này được thực hiện từ 2011 đến 2018, với sự theo dõi trẻ đến 6 tháng sau sinh, từ 9 trung tâm Y học bào thai ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

Các thai phụ được chẩn đoán hội chứng truyền máu cho nhận độ 1 và không có triệu chứng mẹ, từ 16 đến 26 tuần thai kỳ, chiều dài kênh cổ tử cung > 15mm, được nhập vào trung tâm phẫu thuật trong vòng 48 giờ sau khi được chẩn đoán xác định, được phân nhóm ngẫu nhiên theo chỉ định phẫu thuật ngay hay chỉ điều trị theo dõi. Tất cả các bệnh nhân tham gia vào nhóm điều trị laser, được thực hiện ngay trong vòng 72 giờ. Các bệnh nhân điều trị theo dõi được siêu âm đánh giá mức độ tiến triển sau 01 tuần. Phẫu thuật nội soi đốt thông nối cấp cứu (cứu vãn) được chỉ định nếu các triệu trứng rầm rộ lên trong quá trình theo dõi, hoặc là vì sự tiến triển lên độ cao hơn theo phân loại Quintero hoặc là vì các triệu chứng mẹ do đa ối gây ra.


Sơ đồ nghiên cứu.

Kết cục chính là tỷ lệ trẻ sống sót ở thời điểm 6 tháng sau sinh mà không có bệnh lý thần kinh nặng. Các biến chứng nặng của thai non tháng và bệnh lý mẹ là các kết cục phụ.

Thử nghiệm được tiến hành phân tích khi thu thập được 117/200 thai phụ dự kiến trong vòng 7 năm: 58 thai phụ tham gia vào điều trị theo dõi và 59 thai phụ được điều trị can thiệp laser ngay. Tỷ lệ sống sót nguyên vẹn ở 84/109 (77%) các trường hợp điều trị theo dõi và 89/114 (78%) (p=0.88) ở các trường hợp phẫu thuật ngay, và biến chứng bệnh lý thần kinh nặng xảy ra ở 5/109 (4.6%) và 3/114 (2.6%) (p=0.49) tương ứng ở các trường hợp điều trị theo dõi và phẫu thuật ngay. Ở nhóm các bệnh nhân điều trị theo dõi, 24/58 (41%) trường hợp duy trì ổn định với tỷ lệ sống sót trọn vẹn 2 thai là 36/44 (86%) ở thời điểm 6 tháng sau sinh. Tỷ lệ sống sót nguyên vẹn thấp hơn ở nhóm điều trị phẫu thuật so với nhóm không tiến triển, mặc dầu không đáng kể (78% và 71% tương ứng sau phẫu thuật ngay và phẫu thuật cứu vãn).

Kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng phẫu thuật nội soi đốt laser sớm có vẻ không có lợi ở giai đoạn 1 hội chứng truyền máu cho nhận ở các thai phụ không có triệu chứng và cổ tử cung dài. Mặc dù điều trị theo dõi là thích hợp cho các trường hợp này, 60% các trường hợp sẽ tiến triển và đòi hỏi chuyển nhanh đến trung tâm phẫu thuật thai nhi.

Thông điệp từ nghiên cứu:

Vì sao nghiên cứu này được thực hiện?

Nghiên cứu này nhằm xác định rằng TTTS giai đoạn 1 nên được xử trí sớm bằng phẫu thuật nội soi đốt thông nối bánh nhau bằng laser hay nên điều trị theo dõi.

Các phát hiện mấu chốt

Trong thử nghiệm bao gồm 117 thai kỳ, không có sự khác biệt về tỷ lệ sống sót nguyên vẹn giữa nhóm phẫu thuật sớm và nhóm điều trị theo dõi. Tuy nhiên 41% các trường hợp điều trị theo dõi sẽ vẫn không có triệu chứng và không tiến triển lên giai đoạn cao hơn trong thai kỳ. Trong nhóm này, tỷ lệ sống sót là 86%, so với 78% và 71% tương ứng ở nhóm phẫu thuật ngay và nhóm phẫu thuật cứu vãn, mặc dù sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

Phát hiện này bổ sung thêm vào những gì đã biết không?

·        Quản lý theo dõi mỗi tuần là lựa chọn an toàn cho TTTS giai đoạn 1.

·        60% các trường hợp này sẽ tiến triển có triệu chứng hoặc sàng giai đoạn cao hơn của TTTS.

·        Lựa chọn điều trị theo dõi nên được giới hạn chọn lọc ở nhóm TTTS độ 1, mẹ không có triệu chứng, cổ tử cung dài, và có khả năng tới trung tâm phẫu thuật thai nhi trong vòng 48 giờ.

Tham khảo:

DOI:https://doi.org/10.1016/j.ajog.2020.11.031

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét