Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Phụ nữ mang thai có thể tiêm phòng vaccine SARS-CoV-2 không?

 

Phụ nữ mang thai có thể tiêm phòng vaccine SARS-CoV-2 không?

Bs Võ Tá Sơn

Đơn vị Y học bào thai, Bệnh viện Vinmec Times City

Chủ đề liệu có nên cân nhắc việc tiêm vaccine dự phòng SARS-CoV-2 cho phụ nữ mang thai hay không hiện đang là chủ đề “nóng”. Phụ nữ mang thai thường ít được tham gia trong nghiên cứu lâm sàng và bị loại ra khỏi các thử nghiệm chỉ vì tình trạng mang thai của họ, và do đó họ bị loại ra khỏi các thử nghiệm tiêm phòng vaccine SARS-CoV-2.




Ba loại vaccine SARS-CoV-2 hiện đã được cả FDA Hoa Kỳ và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu chấp thuận là: vaccine Pfizer‐BioNtech mRNA, vaccine Moderna mRNA‐1273 và vaccine Janssen Pharmaceutica Ad26.COV2.S.

Trong Tư vấn Thực hành gần đây, Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ - ACOG đã khuyến cáo rằng vaccine SARS-CoV-2 không nên bị từ chối sử dụng cho những người mang thai đáp ứng tiêu chí tiêm chủng dựa trên các nhóm ưu tiên được khuyến nghị bởi Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP), và do đó, tại Mỹ một số phụ nữ mang thai đã được tiêm chủng vaccine.

Ngược lại, tại Vương quốc Anh, dựa trên các khuyến cáo của Ủy ban liên hợp về Tiêm chủng (JCVI), Hội Sản Phụ khoa hoàng gia Anh - RCOG không ủng hộ việc sử dụng thường quy vaccine SARS-CoV-2 trong thời kỳ mang thai khi thiếu vắng các dữ liệu an toàn, mặc dù dữ liệu hiện có không chỉ ra bất cứ sự lo lắng nào về độ an toàn hoặc gây hại cho thai kỳ. Tuy nhiên, JCVI khuyên rằng nên cân nhắc tiêm phòng cho phụ nữ mang thai được xác định là rất dễ bị tổn thương (phơi nhiễm) về mặt lâm sàng cũng như những người là nhân viên y tế tuyến đầu hoặc nhân viên chăm sóc xã hội.

Vào thời điểm viết này này, khoảng 20 000 thai phụ ở Mỹ đã được tiêm phòng vaccine Pfizer‐BioNTech mà không có dấu hiệu nặng cấp tính nào được báo cáo. Dựa trên bằng chứng này, Liên đoàn Sản phụ khoa thế giới (FIGO) gần đây đã tuyên bố rằng không có rủi ro nào – về thực tế hay lý thuyết – vượt trội hơn lợi ích tiềm năng của việc tiêm phòng cho phụ nữ mang thai, do đó ủng hộ việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Ngoài ra, vào tháng 3 năm 2021, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ - CDC đã công bố dữ liệu trấn an đầu tiên từ cơ quan đăng ký an toàn vaccine COVID-19 trong thai kỳ, cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về kết quả mang thai, chẳng hạn như là sẩy thai, tử vong chu sinh hoặc dị tật bẩm sinh thai nhi ở các thai phụ được tiêm phòng so với nguy cơ nền tảng ban đầu. Cuối cùng, dữ liệu rất gần đây cho thấy rằng các kháng thể được tạo ra do tiêm vaccine hiện diện trong máu cuống rốn và mẫu sữa mẹ ở những phụ nữ mang thai và cho con bú được tiêm vaccine mRNA COVID-19.

Do đó, mặc dù dữ liệu hạn chế về độ an toàn của vaccine COVID-19 trong thai kỳ, có vẻ hợp lý khi đưa ra lựa chọn tiêm chủng cho phụ nữ mang thai sau khi đã được tư vấn thích hợp về nguy cơ có thể xảy ra tình trạng nặng của bệnh và các nguy cơ chưa được biết cho thai nhi khi tiếp xúc với vaccine.

Điểm mấu chốt: Nhiều phụ nữ mang thai đã được tiêm chủng vaccine, hầu hết là tại Mỹ, nơi mà ACOG khuyến cáo rằng không nên từ chối tiêm phòng vaccine COVID-19 đối với những thai phụ đáp ứng các tiêu chuẩn của việc tiêm chủng. Các báo cáo ban đầu từ Mỹ cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về kết cục thai kỳ ở những phụ nữ được tiêm vaccine SARS-CoV-2 trong thai kỳ, so với nguy cơ nền. Các kháng thể được tạo ra từ việc tiêm vaccine hiện diện trong máu cuống rốn và các mẫu sữa mẹ của các phụ nữ mang thai và cho con bú đã được tiêm phòng vaccine mRNA COVID‐19. RCOG đề nghị thận trọng vì thiếu dữ liệu an toàn. Dựa trên các dữ liệu hạn chế hiện có về độ an toàn của vaccine COVID-19 trong thai kỳ, có vẻ hợp lý khi đưa ra lựa chọn tiêm phòng cho phụ nữ mang thai sau khi được tư vấn chính xác về nguy cơ tiềm ẩn tình trạng nặng của bệnh và nguy cơ chưa được biết cho thai nhi tiếp xúc với vaccine.



Tham khảo:

[*] Di Mascio, D., Buca, D., Berghella, V., Khalil, A., Rizzo, G., Odibo, A., Saccone, G., Galindo, A., Liberati, M. and D'Antonio, F. (2021), Counseling in maternal–fetal medicine: SARS‐CoV‐2 infection in pregnancy. Ultrasound Obstet Gynecol, 57: 687-697.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét