Trang

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

BỆNH THẬN ĐA NANG DI TRUYỀN LẶN (ARPKD) - Autosomal recessive polycystic kidney disease

 BỆNH THẬN ĐA NANG DI TRUYỀN LẶN TRÊN NHIỄM SẮC THỂ THƯỜNG (ARPKD)

Bs Võ Tá Sơn

Đơn vị Y học bào thai, Bệnh viện Vinmec Times City, Hà Nội

 

Giới thiệu

 

Bệnh thận đa nang di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường (ARPKD) là một rối loạn di truyền hiếm gặp với tần suất ước tính khoảng 1/20,000 ca sinh sống. Mặc dù sự biểu hiện đa dạng và những tiến bộ mới cải thiện tuổi thọ của người mắc bệnh, nhưng đây vẫn là một căn bệnh với bệnh suất và tử suất cao, đặc biệt khi được chẩn đoán trước sinh.

 

Người mắc ARPKD thường có các biến thể gây bệnh trên cả 2 allele trong gene PKHD1 nằm trên nhiễm sắc thể 6p21. Các biến thể này ảnh hưởng đến việc sản xuất fibrocystin, một protein được tìm thấy trong lông mao (cilia)hoặc phức hợp chất nền cơ thể của các tế bào biểu mô trong tiểu quản thận và đường mật trong gan. Những thay đổi này dẫn đến sự trải dài và giãn ra của các ống góp, hình thành các vi nang, và lan rộng thành các nang lớn trong thận. Kết quả là, người bệnh diễn tiến thành bệnh thận giai đoạn cuối và bệnh gan mật.



Hình ảnh thận lớn với kích thước 6cm, mất phân biệt tuỷ vỏ. Chú ý không quan sát thấy nước ối xung quanh thai nhi.


 

Các dấu hiệu trên siêu âm

 

Có sự biến thiên rất lớn trong sự biểu hiện trước sinh của ARPKD. Trong một số trường hợp, thận lớn tăng âm với mất phân biệt tủy - vỏ có thể được xác định trên siêu âm quý 2. Thông thường, hai thận rất lớn, kích thước dao động từ 4 -15SD trên mức bình thường. Hơn nữa, thiểu ối và vô ối thường biểu hiện trong ARPKD. Trong một số trường hợp tinh tế hơn, chỉ có thể thấy thận lớn nhẹ và một đường viền vỏ thận tăng âm. Trong quý 3, các nang có kích thước >3mm có thể xuất hiện. Những nang này có thể ở một bên hoặc hai bên. Một vài trường hợp có thể không có dấu hiệu nào được phát hiện trước sinh. 

 

Các bất thường liên quan

 

Ngoài thiểu ối hoặc vô ối và dẫn đến thiểu sản phổi - có thể được nghi ngờ khi siêu âm, thường không có các bất thường khác trên siêu âm khác. Mặc dù xơ gan và loạn sản đường mật thường phổ biến ở những người mắc bệnh này, nhưng chúng thường hiếm khi được phát hiện trước sinh.

 

Chẩn đoán phân biệt

 

Hội chứng Bardet-Biedl là một bệnh lý lông mao khác mà có thể biểu hiện trước sinh là thận lớn đa nang. Đa ngón hậu trục thường có ở bệnh nhân mắc hội chứng Bardet-Biedl và có thể giúp chẩn đoán phân biệt với ARPKD. Hơn nữa, nhu mô thận thường đồng nhất hơn ở người mắc hội chứng Bardet-Biedl. Hội chứng Meckel-Gruber là một bệnh lý di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường hiếm gặp khác cũng biểu hiện với thận lớn đa nang; các nang thường xuất hiện sớm hơn so với ARPKD. Đa ngón hậu trục và các dị tật hệ thần kinh trung ương (thoát vị não) thường phổ biến với hội chứng Meckel-Gruber.

 

Đánh giá di truyền

 

Nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán trước sinh khi nghi ngờ ARPKD. Hơn nữa, nên thực hiện phân tích nhiễm sắc thể bằng microarray khi chẩn đoán trước sinh, đặc biệt khi có các dấu hiệu bất thường khác trên siêu âm, mặc dù nó sẽ không phát hiện được các rối loạn đơn gene, kể cả ARPKD. Xét nghiệm di truyền phân tử trên mẫu mô lấy từ CVS hoặc chọc ối có thể được sử dụng để xác định các biến thể gây bệnh trong gene PKHD1. Sự hiện diện của hai biến thể gây bệnh trong gene này khẳng định chẩn đoán ARPKD. Tuy nhiên, ngay cả trong các trường hợp có sự hỗ trợ của mô bệnh học và lâm sàng cho chẩn đoán, tỉ lệ phát hiện các biến thể dao động từ 80%-85%. Nếu có bất thường kèm theo, tiền sử gia đình, dòng họ về một bệnh lý cụ thể, xét nghiệm panel gene hoặc giải trình tự exome có thể hữu ích.

 

Quản lý thai kỳ và sinh

 

Vì tiên lượng xấu của các cá thể mắc ARPKD được xác định trước sinh, đặc biệt khi có thiểu ối hoặc vô ối, thai phụ có thai nhi mắc bệnh nên được tư vấn chấm dứt thai kỳ. Những cặp cha mẹ lựa chọn tiếp tục thai kỳ nên được thực hiện chăm sóc giảm nhẹ cho trẻ sơ sinh khi sinh. Trong suốt thai kỳ, siêu âm liên tục có thể có ích để đánh giá kích thước thận và thể tích nước ối. Những cặp cha mẹ mong muốn hồi sức toàn diện nên được sinh ở một trung tâm với đơn vị chăm sóc sơ sinh cấp 4. Vì thận có kích thước lớn có thể dẫn đến chu vi bụng lớn cản trở sinh đường âm đạo khi thai đủ tháng, nên có thể cần phải mổ lấy thai.

 

Tiên lượng

 

Có sự khác biệt rõ rệt trong biểu hiện và tiên lượng của ARPKD. ARPKD được chẩn đoán trước sinh thường có kết cục xấu hơn so với ARPKD được phát hiện trong thời kỳ sơ sinh hay trẻ nhỏ. Những trường hợp thiểu ối hay vô ối được xác định trên siêu âm tiền sản có nguy cơ đáng kể bị thiểu sản phổi và tỉ lệ tử vong khoảng 30% trong năm đầu đời. Thêm vào đó, đã có báo cáo rằng kiểu gene có thể có liên quan đến kiểu hình và những bệnh nhân có các biến thể ngắn (truncating) có thể có kết cục xấu hơn những bệnh nhân có đột biến sai nghĩa (missense).

 

Những trẻ sống được qua tháng đầu đời có thể có tiên lượng tốt hơn, với tỉ lệ sống sót được báo cáo cao nhất là 82%. Tuy nhiên, những trẻ này thường phải lọc máu và ghép thận và thường diễn tiến tới tăng huyết áp, xơ gan, và tăng áp cửa.

 

Kết luận

 

ARPKD hiếm khi được chẩn đoán trên siêu âm tiền sản. Tuy nhiên, khi được xác định, nó có liên quan đến tăng bệnh suất và tử suất đáng kể. Vì là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường với sự biểu hiện rất thay đổi, cha mẹ và anh chị của thai nhi mắc bệnh cũng nên được đánh giá và tư vấn về nguy cơ có mang thai kỳ bị bệnh.

 

 

Bs Trang Hoàng My, Bs Võ Tá Sơn dịch từ nguồn tham khảo:

 

[*] https://doi.org/10.1016/j.ajog.2021.06.038

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét