Trang

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

Các loại xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (Preimplantation genetic testing - PGT)

 Các loại xét nghiệm di truyền tiền làm tổ 

 Cập nhật quản lý thai kỳ sau thụ tinh trong ống nghiệm của SMFM 2022

Bs Võ Tá Sơn

Đơn vị Y học bào thai, Bệnh viện Vinmec Times City


IVF thường đi kèm với xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT). Có 3 loại PGT: PGT cho lệch bội nhiễm sắc thể (PGT-A), PGT cho rối loạn đơn gene (PGT-M), và PGT cho các bất thường sắp xếp lại cấu trúc nhiễm sắc thể (PGT-SR).


 

PGT-A tập trung vào việc phát hiện các lệch bội mới xuất hiện (de novo), chẳng hạn như các trisomy hay gặp. Bởi vì lệch bội là một nguyên nhân hằng đầu dẫn đến thất bại làm tổ, sẩy thai, và các bất thường bẩm sinh, PGT-A trước khi chuyển phôi được đề xuất để tăng tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ mang thai trên mỗi lần chuyển và tỷ lệ sẩy thai thấp hơn. Hầu hết các kỹ thuật gần đây liên quan đến việc xét nghiệm di truyền phân tử của tất cả các nhiễm sắc thể sử dụng phản ứng chuỗi polymerase định lượng, kỹ thuật microarray, hoặc giải trình tự thế hệ mới trên một số mẫu tế bào ngoại bì lá nuôi được lấy từ mẫu phôi nang ngày 5 – 6.

 

Bất kể kỹ thuật nào được sử dụng cho PGT, PGT-A không thể thay thế khuyến cáo cho việc sàng lọc hoặc chẩn đoán trước sinh. PGT-A lấy mẫu ngoại bì lá nuôi – là nơi sinh ra nhau thai, chứ không phải khối tế bào bên trong - là nơi phát triển thành thai nhi. Các phát hiện lệch bội không tương đồng giữa ngoại bì lá nuôi và khối tế bào bên trong đã được báo cáo là cao tới 50% ở phôi trữ đông bị huỷ. Trong một tổng quan hệ thống của 26 nghiên cứu so sánh kết quả PGT-A ban đầu và kết quả phân tích lại từ 1124 phôi, tỷ lệ tương đồng là 93.8% cho chỉnh bội (euploidy), 81.4% cho lệch bội hoàn toàn, và 42.6% cho lệch bội thể khảm (tất cả p<.05). Các tác giả của tổng quan hệ thống này đã kết luận rằng tăng tỷ lệ bất tương đồng với PGT-A có vẻ được gây ra bởi sự bao gồm các phôi khảm. Tỷ lệ thực sự của chẩn đoán âm tính giả và dương tính giả cho PGT-A trong ứng dụng lâm sàng chưa được ghi nhận đầy đủ; phôi chỉnh bội bị chẩn đoán nhầm là phôi lệch bội sẽ bị loại bỏ, và phôi lệch bội bị chẩn đoán nhầm là phôi bình thường thường bị sẩy thai. Giá trị của PGT-A như là một xét nghiệm sàng lọc cho bệnh nhân IVF đã được tranh luận. Uỷ ban thực hành của Hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ tuyên bố rằng không có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng thường quy việc sinh thiết phôi nang với xét nghiệm lệch bội ở tất cả các bệnh nhân vô sinh.

 

PGT-M được sử dụng để chẩn đoán các rối loạn đơn gene, hầu hết thường gặp ở các cặp vợ chồng có tiền sử con lần trước bị bệnh đơn gene (ví dụ như bệnh xơ nang – cystic fibrosis) hoặc những người đã thực hiện sàng lọc người mang gene với cả hai đối tác đều dương tính với xét nghiệm cho một đột biến liên quan đến một bệnh di truyền. Chỉ định ít gặp hơn là mong muốn chọn một đứa trẻ có HLA tương hợp với anh chị em ruột trong liệu pháp tế bào gốc, lựa chọn giới tính trong trường hợp bệnh di truyền liên kết giới tính (ví dụ bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne), hoặc lựa chọn phôi không bị ảnh hưởng bởi rối loạn di truyền trội khởi phát muộn (ví dụ bệnh Huntington) khi có tiền sử gia đình bị bệnh.

 

PGT-SR được sử dụng để chẩn đoán sự sắp xếp lại cấu trúc nhiễm sắc thể. Trong trường hợp này, một đối tác thường đã biết là người mang chuyển đoạn cân bằng hoặc một mất đoạn hoặc một lặp đoạn. Mục tiêu của cả PGT-M và PGT-SR là cho phép chuyển phôi không bị bệnh. Đối với cả PGT-M và PGT-SR, khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định trong thời kỳ mang thai. Khuyến cáo này phản ánh những khó khăn cố hữu trong việc xét nghiệm số lượng tế bào hạn chế thu được từ sinh thiết phôi nang và các yếu tố sinh học và yếu tố con ngưỡi đã biết có thể dẫn tới chẩn đoán sai. Các chẩn đoán sai có thể do quan hệ tình dục không được bảo vệ trong chu kỳ IVF, lỗi do con người (chuyển nhầm phôi) hoặc các thay đổi nguyên phân sau hợp tử. Chẩn đoán âm tính giả có thể do nhiễm DNA ngoại lai, giảm allele, hoặc khuếch đại một phần và có thể dẫn tới việc chuyển một phôi bất thường. Mặc dầu có những hạn chế này, tỷ lệ chẩn đoán sai được báo cáo là dưới 1 trên 200 thai kỳ sau PGT-M. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không muốn thực hiện xét nghiệm xâm lấn sau PGT. Bất kể PGT đã được thực hiện hay chưa, chúng tôi khuyến cáo rằng tất cả bệnh nhân đã có thai bằng IVF nên được cung cấp các lựa chọn xét nghiệm cho sàng lọc và chẩn đoán di truyền trước sinh (MỨC ĐỘ 1C).

 

Ngoài ra, hiện tượng khảm phôi được ước tính hiện diện trong 16% đến 21% các phôi nang. Nếu phôi chỉnh bội không sẵn có, phôi lệch bội thể khảm đôi khi được chuyển, vì một phôi khảm có thể phát triển thành thai nhi chỉnh bội khoẻ mạnh. Khả năng xác nhận thể lệch bội trên tế bào ối được báo cáo trung bình là 11.4%; tuy nhiên, khả năng này phụ thuộc vào nhiễm sắc thể liên quan đến lệch bội, với tỷ lệ 45% cho trisomy 21, 22% cho trisomy 18, 2% cho trisomy 13, 5% cho trisomy 16, 12% cho trisomy 14, và 5% cho trisomy 20. Đối với các nhiễm sắc thể có gene bị cấy ghép (6, 7, 11, 14 và 15), nguy cơ cho nhị nhiễm đồng thân (uniparental disomy) có ý nghĩa lâm sàng thông qua cơ chế giải cứu như trisomy hoặc monosomy trung bình khoảng 5%. Xét nghiệm chẩn đoán trước sinh nên được cung cấp cho các bệnh nhân có thai kỳ đạt được bằng việc chuyển phôi thể khảm trisomy hoặc monosomy. Có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn di truyền hoặc bác sĩ di truyền học để thảo luận về xét nghiệm chẩn đoán cho những bệnh nhân này. Sàng lọc với cfDNA với lợi ích lâm sàng hạn chế vì xét nghiệm này kiểm tra DNA có nguồn gốc từ bánh nhau (không phải của thai nhi), dẫn tới hiệu suất không rõ đối với thể khảm nồng độ thấp và giá trị tiên đoán dương không rõ ràng trong bối cảnh lâm sàng này.



Tham khảo:


[*] Hội Y học bà mẹ - thai nhi. SMFM Loạt bài tham khảo #60: Quản lý thai kỳ IVF. AJOG 2022. https://doi.org/10.1016/j.ajog.2021.11.001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét