Trang

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Hội chứng Jacobs – 47,XYY : Những điều mẹ bầu và bác sĩ cần biết

 Hội chứng Jacobs – 47,XYY

Bs Võ Tá Sơn

Bệnh viện Vinmec Times City, Hà Nội

 

Giới thiệu

 

Hội chứng Jacobs, còn được biết với tên là hội chứng 47,XYY, là một tình trạng di truyền hiếm gặp, xảy ra ở 1 trên 1000 trẻ nam. Nó thuộc về nhóm tình trạng được gọi là “trisomy nhiễm sắc thể giới tính”, cùng nhóm với hội chứng Klinefelter là loại phổ biến hơn. Tình trạng này được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1960. Các nghiên cứu ban đầu được thực hiện trên đàn ông bị giam giữ cho thấy nam giới với 47,XYY có nhiều khả năng biểu hiện khuynh hướng chống đối xã hội hơn những người không mang kiểu gen này. Độ tuổi chẩn đoán trung bình là 17 tuổi, với nhiều bệnh nhân đến khám do lo lắng về vô sinh. Biểu hiện của các bệnh nhân cũng có thể khác nhau rất nhiều, và trong thực tế, nhiều bệnh nhân có tương đối ít bất thường về kiểu hình. Tuy nhiên, những người mắc chứng bệnh này có thể bị chứng tinh hoàn to (macroorchidism), tầm vóc cao, tật đầu to, và hai mắt xa nhau, và các đặc điểm khác. Các bệnh nhân này cũng có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh hen phế quản, rối loạn phổ tự kỷ và động kinh hơn dân số chung. Trong khi một số cá thể 47,XYY bị vô sinh, thì những cá thể có khả năng sinh sản thường sinh ra con cái có bộ nhiễm sắc thể bình thường.




 

Nguyên nhân

 

Hội chứng Jacobs không phải là một tình trạng được di truyền. Nó hầu hết được phát sinh trong thời kỳ giảm phân II ở người cha, lúc đó một nhiễm sắc thể Y thêm vào tinh trùng mới tạo ra. Một dạng khác ít phổ biến hơn tình trạng này là khảm 46,XY/47,XYY, phát sinh trong quá trình phát triển phôi ở giai đoạn sớm. Trong trường hợp này, sự không tách rời phân bào sau hợp tử chịu trách nhiệm cho bệnh lý này. Những đột biến này dường như xuất hiện một cách ngẫu nhiên, và không biết liệu có bất kỳ nguyên nhân nào từ cha mẹ chịu trách nhiệm cho những đột biến này hay không.




 

Dịch tễ học

 

Hội chứng Jacobs tương đối hiếm gặp, xảy ra ở khoảng 1 trên 1000 trẻ sơ sinh nam. Tỷ lệ này dường như tương đối ổn định ở nam giới trên toàn cầu. Chẩn đoán thường bị trì hoãn, với độ tuổi được chẩn đoán là khoảng 17 tuổi. Các biểu hiện kiểu hình có thể rất khác nhau và thường nhẹ. Người ta ước sinh rằng khoảng 85% nam giới 47,XYY thực sự không bao giờ được chẩn đoán.

 

Sinh lý bệnh

 

Sinh lý bệnh của bệnh này thường bắt đầu từ quá trình sinh tinh sai sót ở bố của bệnh nhân, dẫn đến bệnh nhân có thêm một nhiễm sắc thể Y. Các triệu chứng bệnh có thể khá mơ hồ trong thời thơ ấu, và vì lý do này, hầu hết trẻ em không được chẩn đoán. Nam giới mắc hội chứng Jacobs có các triệu chứng hay gặp như tầm vóc cao, đầu to, giảm trương lực cơ, ngón tay thứ 5 hơi cong về phía ngón 4, và hai mắt xa nhau. Chậm phát triển và rối loạn hành vi cũng đã được ghi nhận. Tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn và rối loạn phổ tự kỷ dường như cũng tăng lên ở những người này.

 

Tiền sử và khám thực thể

 

Khi thu thập tiền sử của một bệnh nhân mắc hội chứng Jacobs, sẽ không có gì lạ nếu đưa ra tiền sử khiếm khuyến học tập nhẹ và rối loạn hành vi. Bệnh nhân cũng có thể bị chậm nói khi còn nhỏ, cũng như được chẩn đoán là rối loạn tăng động giảm chú ý (AHDH) và rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Các bệnh nhân 47,XYY cũng có nhiều khả năng được chẩn đoán hen suyễn, rối loạn co giật và run hơn so với dân số chung. Nam giới trưởng thành có thể có tiền sử vô sinh cũng như giảm ham muốn tình dục. Kết quả khám sức khoẻ có thể khác nhau, vì các biểu hiện kiểu hình của hội chứng 47,XYY khá đa dạng. Các dấu hiệu khám thực thể phổ biến nhất bao gồm tầm vóc cao, tật đầu to, hai mắt xa nhau, giảm trương lực cơ, và ngón tay thứ 5 cong về phía ngón 4. Có thể quan sát thấy run khi thăm khám thần kinh. Có thể quan sát thấy tinh hoàn bị teo, nhưng cơ quan sinh dục ngoài cũng có thể bình thường. Khoảng một nửa các bệnh nhân có thể có bàn chân phẳng, và các bất thường răng miệng như răng móm (underbites) và răng to (macrodontia) đã được ghi nhận ở một số ít bệnh nhân.

 

Đánh giá

 

Chẩn đoán hội chứng 47,XYY có thể thực hiện sớm ngay ở giai đoạn trước sinh bằng cách sử dụng DNA tự do thai nhi. Kỹ thuật này được biết đến là xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT) và có độ chính xác cao trong việc phát hiện các lệch bội nhiễm sắc thể giới tính. Ở loại xét nghiệm này, máu ngoại vi của thai phụ được thu thập và DNA của thai nhi được tách ra và phân tích. Chọc ối là một phương pháp chẩn đoán trước sinh xâm lấn, và do đó, nó không còn được ưa chuộng nữa. Sau khi sinh, chẩn đoán được thực hiện bằng cách phân tích nhiễm sắc thể đồ mẫu máu của bệnh nhân. Nam giới 47,XYY đang được khám hiếm muộn nên được phân tích tinh dịch đồ, siêu âm đánh giá tinh hoàn, và xét nghiệm máu để đo hormone sinh dục.




 

Điều trị/ Quản lý

 

Các gia đình nhận được chẩn đoán trước sinh là hội chứng 47,XYY nên được tư vấn di truyền để giúp họ hiểu biết về căn bệnh này. Điều trị hội chứng này thường chỉ mang tính chất hỗ trợ, có chú ý đến các bệnh lý đi kèm của bệnh nhân. Các bé trai được chẩn đoán mắc hội chứng Jacobs có thể được hưởng lợi từ liệu pháp ngôn ngữ và can thiệp hành vi từ các chuyên gia có trình độ chuyên môn. Vật lý trị liệu có thể cần thiết nếu xuất hiện tình trạng giảm trương lực cơ. Bệnh nhân có thể được hưởng lợi từ các nguồn giáo dục bổ sung hoặc giáo dục đặc biệt nếu có khiếm khuyết về học tập. Điều trị y tế thích hợp cho bất kỳ tình trạng bệnh đi kèm nào như hen suyễn hoặc rối loạn co giật, và nên được chỉ định bởi bác sĩ lâm sàng được cấp phép. Nam giới bị vô sinh nên nhận được đánh giá toàn diện từ một bác sĩ nội tiết sinh sản có chuyên môn. Sự mất cân bằng nội tiết tố, nếu được tìm thấy, có thể cần được điều chỉnh. Những bệnh nhân gặp khó khăn trong việc mang thai do số lượng tinh trùng thấp có thể phải tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn. Nhiều người như vậy đã có thể làm cha thành công bằng những phương pháp này.

 

Các chẩn đoán phân biệt

 

Vì các bé trai mắc hội chứng Jacobs thường cao hơn so với lứa tuổi của chúng, một tình trạng khác cần được loại trừ là hội chứng Marfan, một căn bệnh cũng có biểu hiện với tầm vóc cao lớn. Hội chứng Marfan là một rối loạn mô liên kết, trái ngược với hội chứng Jacobs, thường biểu hiện các bất thường về tim như giãn gốc động mạch chủ và sa van hai lá. Một khám nghiệm đầy đủ về tim, bao gồm điện tâm đồ và siêu âm tim, sẽ khẳng định sự hiện diện của các tình trạng này, từ đó xác định có hay không có hội chứng Marfan, tuỳ từng trường hợp. Phân tích di truyền để xác định sự hiện diện của đột biến gene fibrillin-1 cũng có thể có ích, vì đột biến này thường xảy ra với hội chứng Marfan. Hội chứng Sotos là một tình trạng khác cần được xem xét và loại trừ. Hội chứng Sotos, còn được biết đến là chứng não khổng lồ, là một bệnh lý di truyền hiếm gặp do đột biến gene NSD1 trên nhiễm sắc thể số 5. Các đặc điểm nổi bật bao gồm tăng trưởng quá mức trong thời thơ ấu, tật đầu to, khiếm khuyết học tập, giảm trương lực cơ và rối loạn co giật. Tình trạng này có thể được loại trừ thông qua phân tích di truyền. Hội chứng Klinefelter cũng nên được xem xét và loại trừ. Bệnh lý này là một bất thường nhiễm sắc thể giới tính khác, trong đó kiểu gen của bệnh nhân là 47,XXY. Các đặc điểm chính bao gồm tầm vóc cao, nữ hoá tuyến vú, tinh hoàn nhỏ, khiếm khuyết học tập và đôi khi là vô sinh. Tình trạng này cũng được loại trừ thông qua phân tích di truyền. 

 

Tiên lượng

 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuổi thọ của bệnh nhân mắc hội chứng Jacobs có thể ít hơn 10 năm so với những người đồng lứa không mắc bệnh được kiểm soát theo độ tuổi. Nam giới mắc hội chứng 47,XYY có nhiều nguy cơ mắc các bệnh phổi và thần kinh như hen suyễn và rối loạn co giật, cũng như các vấn đề về hành vi và khó kiểm soát xung động. Người ta đưa ra giả thuyết rằng tuổi thọ ngắn hơn này một phần có thể là do nguy cơ mắc các bệnh đi kèm tăng lên. Bất chấp điều đó, nhiều nam giới mắc hội chứng Jacobs vẫn có cuộc sống bình thường như nam giới trưởng thành. Hầu hết các bé trai đều trải qua tuổi dậy thì bình thường, và nhiều nam giới có khả năng sinh sản mặc dù tăng nguy cơ bất thường về tinh trùng.

 

Các biến chứng

 

Bệnh nhân mắc hội chứng Jacobs đã được phát hiện có tăng tỷ lệ mắc một số bệnh. Chúng bao gồm hen suyễn, rối loạn co giật và run. Một số bệnh nhân 47,XYY đã được ghi nhận có các bất thường về bộ phận sinh dục như dương vật nhỏ, thiểu sản bìu, tinh hoàn ẩn, và lỗ tiểu đóng thấp. Có khả năng những người đàn ông này có thể được chẩn đoán vô sinh do thiểu sản hoặc bất thường nhiễm sắc thể của tinh trùng. Một vài nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng những bệnh nhân này có thể có các vấn đề về kiểm soát xung động và điều hoà cảm xúc. Các nghiên cứu ban đầu được thực hiện trên nam giới bị giam giữ mắc hội chứng 47,XYY cho thấy mức độ testosterone tăng lên có liên quan đến việc tăng nguy cơ của hành vi hành hung. Nhiều nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra những người đàn ông này có nguy cơ tăng hoạt động tội phạm, mặc dù nồng độ testosterone không phải luôn luôn tăng hoặc liên quan đến việc tăng nguy cơ này. Những bệnh nhân này cũng tăng nguy cơ khiếm khuyết học tập, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, và nói khó.

 

Sự răn đe và giáo dục bệnh nhân

 

Bệnh nhân mắc hội chứng Jacobs nên yên tâm rằng hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh này đều có thể sống lâu và sống mãn nguyện. Thực tế là có tới 85% số bệnh nhân không được chẩn đoán là một minh chứng cho việc các triệu chứng thường nhẹ và có thể có nhiều kiểu biểu hiện kiểu hình. Các gia đình có trẻ em mắc hội chứng Jacobs nên biết rằng con trai của họ có thể được hưởng lợi từ các nguồn giáo dục đặc biệt hoặc liệu pháp ngôn ngữ do khả năng bị suy giảm năng lực học tập mức độ nhẹ và chậm nói. Những người đàn ông mắc hội chứng Jacobs đang cố gắng thụ thai có thể được hưởng lợi từ việc phân tích tinh trùng sớm để sàng lọc tình trạng số lượng tinh trùng thấp hoặc các bất thường về tinh trùng. Bệnh nhân nên được thông báo rằng nhiều người đàn ông mắc chứng bệnh này có thể làm cha, và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể được thực hiện nếu có khó khăn xảy ra.

 

Nâng cao kết quả của nhóm chăm sóc sức khoẻ

 

Hội chứng Jacobs là một rối loạn di truyền hiếm gặp, thường biểu hiện với các triệu chứng nhẹ. Có một số lượng lớn không được chẩn đoán, với 85% số những bệnh nhân này không bao giờ được chẩn đoán. Trong khi độ tuổi trung bình được chẩn đoán là 17 tuổi, nhiều bệnh nhân có thể được hưởng lợi từ các can thiệp giáo dục sớm hơn thế. Chẩn đoán đòi hỏi bạn phải có kiến thức về các dấu hiệu và triệu chứng tinh tế của bệnh xuất hiện trong quá trình hỏi bệnh sử và khám thực thể. Để cải thiện việc xác định bệnh lý này, điều cần thiết là tất cả các thành viên của nhóm chăm sóc sức khoẻ phải biết cần tìm những gì. Việc quản lý bệnh này cũng đòi hỏi sự hợp tác và giao tiếp hiệu quả trong đội ngũ chuyên gia liên ngành. Bệnh nhân mắc hội chứng Jacobs có nguy cơ mắc nhiều bệnh kèm theo như hen suyễn, run, rối loạn co giật, vô sinh, và các vấn đề tâm lý như rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý. Tất cả những tình trạng này thường được quản lý bởi các bác sĩ chuyên khoa khác nhau, tất cả những người này nên trao đổi với nhau trong nỗ lực phối hợp chăm sóc và cải thiện kết quả của bệnh nhân.

 

Tham khảo:

[*] Sood B, Clemente Fuentes RW. Jacobs Syndrome. [Updated 2021 Nov 29]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557699/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét