Trang

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Giãn tĩnh mạch rốn đoạn trong ổ bụng thai nhi: Cập nhật 2022

 Giãn tĩnh mạch rốn đoạn trong ổ bụng thai nhi

Fetal intra-abdominal umbilical vein varix (FIUVV)

 

Bs Võ Tá Sơn

Bệnh viện Vinmec Times City, Hà Nội

 

Giãn tĩnh mạch rốn đoạn trong ổ bụng thai nhi hiếm gặp với tỷ lệ 0.4 – 1.1/1000 thai nhi, được đặc trưng bởi giãn khu trú đoạn tĩnh mạch rốn từ vị trí đổ vào thành bụng đến đoạn xoang cửa.

 

Đường kính của tĩnh mạch rốn tăng lên cùng với tuổi thai, với 2-4mm ở tuần 15 thai kỳ và 7-8 mm lúc đủ tháng. 







 

TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN

 

·      Việc chẩn đoán được thực hiện khi đường kính tĩnh mạch rốn vượt quá 2 độ lệch chuẩn so với tuổi thai. 

 

·      Các tiêu chuẩn khác đó là đường kính tĩnh mạch rốn > 9 mm vào lúc đủ tháng, >1.5 lần phần tĩnh mạch rốn trong gan, hoặc > 50% phần không giãn.

 

Diễn tiến tự nhiên, nguyên nhân và các hướng dẫn xử trí sản khoa chưa được rõ ràng. Đường kính đoạn giãn, sự xuất hiện của dòng chảy xoáy và huyết khối, sự đi kèm với các bất thường khác của thai nhi, và tốc độ tăng trưởng của thai nhi là các yếu tố ảnh hưởng đến kết cục của thai nhi.

 

Dữ liệu từ một tổng quan hệ thống năm 2018 với hơn 250 trường hợp giãn tĩnh mạch rốn đoạn trong ổ bụng được báo cáo từ 2001-2017, cho thấy tình trạng này đi kèm với các bất thường khác ở trong 19% các trường hợp.

 

·      Ở thai nhi FIUVV đơn độc, không có trường hợp nào xảy ra thai chết trong tử cung, trong khi đó tỷ lệ thai nhỏ là 3.7%. Ngoài ra các thai nhi này có nguy cơ rất thấp có các bất thường nhiễm sắc thể. Ngược lại, các trường hợp đi kèm với các bất thường khác (FIUVV không đơn độc) có tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể cao gấp 15 lần và nguy cơ thai chết trong tử cung cao gấp 8 lần so với các thai nhi FIUVV đơn độc.

 

·      Dựa vào dữ liệu của nghiên cứu này có thể khẳng định FIUVV không phải là một dấu hiệu của bất thường nhiễm sắc thể.

 

·      Không có trường hợp thai chết trong tử cung nào được báo cáo ở các thai nhi FIUVV đơn độc trong tổng quan này. Ngược lại, tỷ lệ thai chết là 7.3% ở nhóm có đi kèm các bất thường khác.

 

Cho tới hiện tại chưa có một hiệp hội chuyên môn nào khuyến cáo việc đo thường quy kích thước đoạn trong ổ bụng của tĩnh mạch rốn.






 

KHUYẾN CÁO

 

·      Siêu âm hình thái để loại trừ các bất thường đi kèm. 

·      Xét nghiệm xâm lấn được thực hiện khi có sự hiện diện của bất thường cơ quan khác.

·      Thai phụ nên được trấn an rằng nguy cơ thai chết trong tử cung là THẤP ở các trường hợp FIUVV đơn độc.

·      Có vẻ như chưa có cách theo dõi đặc biệt nào hoặc sinh chủ động cho các thai nhi FIUVV đơn độc sẽ cải thiện kết cục. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu cho rằng nên theo dõi sát hơn từ sau 32 tuần bằng việc siêu âm hoặc CTG mỗi một hoặc hai tuần. Chưa có bằng chứng nào trả lời được câu hỏi rằng việc theo dõi sát như trên có thể giúp tránh được thai chết trong tử cung. 

 

·      Siêu âm theo dõi liên tục và sử dụng Doppler màu mỗi 1-2 tuần được khuyến cáo để phát hiện sự hiện diện của huyết khối và các dấu hiệu suy thai. Nếu có các dấu hiệu này, kế hoạch sinh có thể cân nhắc thêm tuổi thai và nguy cơ thai non tháng.

 

·      Khi không có bất thường khác được ghi nhận, FIUVV đơn độc nên được theo dõi sinh theo phác đồ thường quy.

 

·      Đánh giá chi tiết lâm sàng sau sinh và siêu âm để tìm kiếm các bất thường khác chưa được phát hiện trước sinh và cũng đánh giá lại tĩnh trạng giãn tĩnh mạch rốn. 

 

KẾT LUẬN

 

Khi FIUV được phát hiện, cần đánh giá siêu âm giải phẫu thai nhi kỹ càng bao gồm siêu âm tim thai chi tiết được khuyến cáo. Xét nghiệm xâm lấn nên được cân nhắc nếu có các bất thường khác đi kèm. Thai nhi nên được khảo sát siêu âm hàng tuần ở quý 3 thai kỳ để đánh giá khả năng có huyết khối trong lòng mạch. Tiên lượng thai nhi khó có thể được dự đoán trước, và thai tử trong tử cung có thể xảy ra ngay cả khi được theo dõi sát. Tuy nhiên, hầu hết giãn tĩnh mạch rốn thai nhi đơn độc có tiên lượng tốt.

 

Tham khảo:

 

[1] di Pasquo, E., Kuleva, M., O'Gorman, N., Ville, Y. and Salomon, L.J. (2018), Fetal intra-abdominal umbilical vein varix: retrospective cohort study and systematic review and meta-analysis. Ultrasound Obstet Gynecol, 51: 580-585. 

[2] Tổng quan giãn tĩnh mạch rốn đoạn trong ổ bụng thai nhi. https://www.votason.net/2018/01/gian-tinh-mach-ron-trong-o-bung-thai-nhi.html

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét