Trang

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

CHỌC ỐI Ở THAI PHỤ NHIỄM HIV

 CHỌC ỐI Ở THAI PHỤ NHIỄM HIV

Theo khuyến cáo của ISUOG 2016

Bs Võ Tá Sơn

Bệnh viện Vinmec Times City, Hà Nội


Chọc ối là yếu tố nguy cơ lớn cho lây truyền dọc HIV từ mẹ sang con trong kỷ nguyên chưa có thuốc kháng virus. Một nghiên cứu hồi cứu 522 trẻ sơ sinh của các bà mẹ dương tính với HIV-1 cho thấy rằng chọc ối là một yếu tố nguy cơ độc lập cho việc lây truyền dọc, làm tăng nguy cơ lên khoảng 4 lần (OR, 4,1 (95% CI, 2.1 – 9.5)) (Mức độ chứng cứ: 2+).




 

Việc sử dụng liệu pháp kháng virus kết hợp (c-ART) đã làm thay đổi điều này một cách triệt để. Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha so sánh kết cục của 366 bà mẹ có HIV dương tính trước và sau năm 1997, khi liệu pháp kháng virus được sử dụng rộng rãi: tỷ lệ lây truyền dọc ở những thai phụ đã trải qua chọc ối và những người không chọc ối trước năm 1997tương ứng là 30% (3/10) và 16.2% (40/247), trong khi tỷ lệ tương ứng giảm xuống 0% (0/18) và 3.7% (3/81) sau năm 1997 (Mức độ chứng cứ: 2+). Tỷ lệ thấp tương tự đã được báo cáo sau năm 1997 ở các nghiên cứu khác ở Ý (3.3%) và Pháp (0%). Ngoài ra, một nghiên cứu đa trung tâm ở Pháp nhấn mạnh sự ưu việt của HAART (tỷ lệ lây nhiễm 0%) so với zidovudine đơn lẻ (tỷ lệ lây nhiễm 6.1%) hoặc không điều trị thuốc (tỷ lệ lây nhiễm 25%) ở các thai phụ có HIV dương tính có thực hiện chọc ối (Mức độ chứng cứ: 2++).

 

Ở các thai phụ nhiễm HIV, việc lây nhiễm cho thai nhi dường như không tăng lên ở những người có chọc ối so với nhóm chứng không thực hiện thủ thuật nếu tải lượng virus thấp; nếu bệnh nhân được điều trị c-ART trước thụ thai; hoặc nếu tải lượng virus cao nhưng c-ART đã được điều trị ít nhất 2 tuần trước thời điểm chọc ối.

 

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Canada, các thai phụ không điều trị c-ART, nguy cơ lây truyền dọc tăng lên khi thực hiện chọc ối. Khi có thể, c-ART nên được thực hiện trước và thủ thuật được trì hoãn cho đến khi tải lượng virus không còn được phát hiện. Tương tự như HBV và HCV, cần cố gắng hết sức để tránh việc đi kim chọc ối xuyên qua hoặc rất gần bánh nhau ở thai phụ có HIV dương tính.

 

Nguy cơ lây truyền dọc của HBV, HCV hoặc HIV sau khi thực hiện sinh thiết gai rau hoặc lấy máu cuống rốn vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

 

Tham khảo:


[*] Ghi, T., Sotiriadis, A., Calda, P., Da Silva Costa, F., Raine-Fenning, N., Alfirevic, Z., McGillivray, G. and (2016), ISUOG Practice Guidelines: invasive procedures for prenatal diagnosis. Ultrasound Obstet Gynecol, 48: 256-268

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét