Trang

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU SONG THAI: Những điều mẹ bầu nên biết

 

HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU TRONG THAI

Twin-twin transfusion syndrome (TTTS)

 Bs VÕ TÁ SƠN dịch từ Thông tin dành cho khách hàng của ISUOG 2023

Bài viết này nhằm giúp bạn hiểu hội chứng truyền máu song thai (TTTS) là gì, bạn cần những xét nghiệm gì, và ý nghĩa của việc được chẩn đoán mắc hội chứng truyền máu song thai (TTTS) đối với bạn, con bạn và gia đình bạn.

Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) là một bệnh lý xảy ra ở các cặp song thai có chung một nhau thai (MC). Trong tình trạng này, người ta thấy có sự chênh lệch đáng kể về lượng nước ối giữa các thai. Một thai, là thai cho, bị mất nước và có ít nước ối hơn (thiểu ối), và trong những trường hợp nặng có thể không tạo ra nước tiểu chút nào. Thai còn lại, là thai nhận, bị thừa nước, biểu hiện lượng nước ối quá mức (đa ối). Tình trạng này là biến chứng thường gặp nhất ở thai kỳ song thai một bánh nhau, tức là các cặp song sinh giống hệt nhau có chung nhau thai và được báo cáo ở khoảng 15% trường hợp mang song thai một bánh nhau.

Nếu không được can thiệp, những trường hợp nặng sẽ có kết cục xấu và nguy cơ sẩy thai cao. Các lựa chọn can thiệp mang lại sự yên tâm với tiên lượng tốt hơn.



Các triệu chứng của TTTS là gì?

Trong khi hầu hết các thai phụ bị TTTS sẽ không có triệu chứng, một số người có thể báo cáo các cơn co thắt dọa sinh non, vòng bụng của người mẹ tăng đột ngột và khó thở do có quá nhiều nước ối trong một túi thai (đa ối). Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy giảm cử động của thai nhi.

Nguyên nhân gây ra TTTS?

Trong bất kỳ thai kỳ một bánh nhau nào, dòng máu chảy qua lại từ hệ tuần hoàn của thai nhi này sang thai nhi khác thông qua các thông nối mạch máu trên nhau thai. Những thông nối này thường được cân bằng. Trong trường hợp lưu lượng máu qua lại này không cân bằng, TTTS có thể khởi phát. Điều này khiến một thai trở thành thai nhận và thai còn lại là thai cho.

TTTS được chẩn đoán như thế nào?

TTTS được chẩn đoán trước sinh ở thai đôi một bánh nhau bằng siêu âm. Các phép đo chính bao gồm độ sâu của túi nước ối xung quanh mỗi thai nhi và ghi nhận về sự hiện diện hoặc vắng mặt của bàng quang ở mỗi thai nhi.

Mức độ nặng được xác định theo các giai đoạn từ 1-5 dựa trên lượng nước ối xung quanh mỗi thai nhi, sự hiện diện hay vắng mặt của bàng quang, sự thay đổi lưu lượng máu qua dây rốn, não và gan và bằng chứng suy tim với lượng nước dư thừa dưới da và xung quanh phổi, tim hoặc trong bụng và khả năng sống sót chung của thai nhi.

 

Các xét nghiệm khác bạn có thể gặp phải bao gồm:

• Siêu âm tim thai: Siêu âm đặc biệt về tim của em bé.

• Chụp cộng hưởng từ (MRI): Để xác định xem có bất kỳ tổn thương thần kinh nào ở một trong hai thai nhi hay không; không sử dụng bức xạ, kỹ thuật này chụp ảnh não thai nhi qua bụng người mẹ

Chúng ta điều trị TTTS như thế nào?

Có một số phương pháp khác nhau được sử dụng để điều trị TTTS. Tùy chọn quản lý phụ thuộc vào các yếu tố sau:

• Tuổi thai lúc khởi phát

• Mức độ nặng

• Các phát hiện bổ sung như hạn chế tăng trưởng có chọn lọc, dị tật bẩm sinh (sự khác biệt về cấu trúc trong giải phẫu của trẻ sơ sinh)

• Nguyện vọng của cha mẹ

 

Phẫu thuật laser nội soi bào thai: Một thủ thuật trong đó một vết đâm kim nhỏ được thực hiện trên bụng của người mẹ và ống nội soi được đưa vào khoang ối. Điều này cho phép bác sĩ phẫu thuật nhìn vào tử cung và sử dụng tia laser để làm gián đoạn các thông nối bất thường giữa tuần hoàn hai thai. Bằng cách đó, chúng ta tách các thông nối mạch máu trên nhau thai và ngăn chặn sinh lý bệnh

Giảm ối: Các trường hợp cụ thể khi không thể thực hiện đốt laser hoặc cha mẹ quyết định không tiến hành đốt laser; Có thể tiến hành dẫn lưu lượng nước ối dư thừa ở bên thai nhận. Mặc dù việc giảm ối sẽ không ngăn chặn được sinh lý bệnh nhưng nó có thể làm giảm các triệu chứng của mẹ.

Hủy thai có chọn lọc: Phẫu thuật này có thể được thực hiện khi một thai bị tổn thương nghiêm trọng với cái chết sắp xảy ra và đốt laser không được chọn. Việc giảm thai thành đơn thai có thể làm giảm nguy cơ liên quan đến mang thai đôi và bảo vệ thai còn lại khỏi những kết quả bất lợi liên quan đến TTTS.

Chấm dứt thai kỳ: một số bệnh nhân lựa chọn chấm dứt thai kỳ do nguy cơ cao về kết quả bất lợi, đặc biệt là trong những trường hợp không được điều trị.

Triển vọng dài hạn là gì?

Triển vọng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và mức độ tiến triển của nó cũng như các thủ tục điều trị cần thiết. Tuổi thai lúc sinh cũng có ảnh hưởng lớn. Cùng với việc theo dõi liên tục tình trạng của thai nhi trước khi sinh, việc theo dõi chặt chẽ sau sinh và theo dõi trong giai đoạn nhũ nhi và thời thơ ấu cũng là điều cần thiết.

Tôi nên hỏi những câu hỏi nào khác?

• Con tôi bị TTTS giai đoạn mấy?

• Các em bé có bất kỳ tình trạng bệnh lý nào đi kèm không, chẳng hạn như có sự khác biệt đáng kể về tốc độ tăng trưởng?

• Những thai nhi này sẽ được theo dõi như thế nào trong suốt thai kỳ?

• Cách điều trị nào là tốt nhất cho tình trạng của tôi?

• Những biến chứng của những phương pháp điều trị này là gì?

• Tôi nên sinh ở đâu?

 

Cập nhật lần cuối: tháng 11 năm 2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét